Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Tiêm chủng mở rộng ở vùng DTTS - Phá vỡ những thách thức: Nỗ lực xóa “vùng lõm” tiêm chủng mở rộng (Bài 2)

Lê Hường - 11:03, 20/11/2020

Các tỉnh Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan các dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, ngành Y tế các tỉnh này luôn đặt quyết tâm xóa “vùng lõm” tiêm chủng mở rộng (TCMR). Nhưng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn.

Tiêm chủng mở rộng ở một xã nghèo
Tiêm chủng mở rộng ở một xã nghèo

“Vùng lõm” chủ yếu đồng bào DTTS

Xã Đăk Phơi thuộc diện “vùng lõm” TCMR của huyện Lăk (Đăk Lăk). Toàn xã có đến gần 80% đồng bào DTTS. Hằng tháng, Trạm Y tế Đăk Phơi tổ chức tiêm chủng cố định 3 ngày 11, 12 và 26 của tháng. Mỗi ngày tiêm đều có cán bộ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện xuống giám sát. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm đạt thấp, nên cộng đồng liên tục xảy ra dịch bệnh, đặc biệt tại cụm dân cư đồng bào Mông. Năm 2019, dịch bệnh sởi bùng phát trên địa bàn xã với 26 ca bệnh, trong đó cụm dân cư người Mông chiếm 1/2 số ca bệnh, với 12 ca. Năm 2020, Đăk Phơi ghi nhận 2 ca bạch hầu.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Ly, cán bộ phụ trách mảng bệnh truyền nhiễm của Trạm Y tế Đăk Phơi, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có Vacxin phòng bệnh trong chương trình TCMR. Tuy nhiên, không phải cứ có Vacxin đồng nghĩa với việc đẩy lùi được dịch bệnh, bởi ý thức của đồng bào đối với TCMR còn nhiều hạn chế.

Bà H’Bình Niê, Phó trưởng Trạm Y tế xã Đăk Phơi cho biết: Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng toàn xã đã đạt khoảng 75%, cao hơn rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số cụm dân cư cá biệt có tỷ lệ tiêm chiếm rất thấp, như cụm đồng bào Mông. Cụm dân cư này có 78 hộ, hơn 430 nhân khẩu, cách trung tâm xã hơn 40km, chủ yếu đi bộ hoặc có xe chuyên dụng mới vào được. Nơi đây việc tuyên truyền cực kỳ khó, vì dân không thạo tiếng phổ thông, không có y tế thôn buôn và không có điện để tiếp cận thông tin đại chúng. Mỗi lần tổ chức tiêm chủng tại đây, Trạm phải nhờ đến Người có uy tín, già làng, nhưng dân vẫn không mặn mà.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk, 9 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đạt 71,3%. Trong tổng số 184 xã thì có đến 30 xã không đạt chỉ tiêu TCMR, tập trung chủ yếu ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trong đó, huyện Krông Bông và Lăk có nhiều xã không đạt nhất, mỗi huyện có 7 xã “vùng lõm”. Riêng đối với dịch bạch hầu, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 50 ca bệnh thì có đến 46 ca bệnh là người DTTS, trong đó có 17 ca người Mông.

Cần những giải pháp đặc thù

Các địa phương thuộc “vùng lõm” TCMR đều rơi vào địa phương vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Nguyên nhân chính là do địa bàn rộng, nhiều thành phần dân tộc nên rất khó khăn trong tuyên truyền. Trong khi đó, kinh phí, trang thiết bị và nhân lực cho TCMR còn gặp khó khăn.

Toàn xã Cư Pui huyện Krông Bông (Đăk Lăk) có 13 thôn, buôn với 2.685 hộ, hơn 13.880 nhân khẩu, trong đó 87% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu đồng bào Mông. Địa phương này được xác định là “vùng lõm” về TCMR, nên khi dịch bạch hầu xuất hiện, Cư Pui liên tục ghi nhận các ca bệnh (với 12 ca).

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ khu vực Tây Nguyên đạt 73,2%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. 35/50 huyện đạt tiến độ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi. Số trường hợp mắc sởi, ho gà và viêm não Nhật Bản toàn khu vực giảm so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng một số dịch bệnh nguy hiểm khác lại bùng phát mạnh như bạch hầu, đến hết tháng 9 toàn khu vực có 175 ca tăng 167 ca; bại liệt 21 ca, tăng 16 ca…

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Đồng bào Mông rất ít người nói tiếng phổ thông thành thạo, vì vậy mà công tác tuyên truyền, vận động rất khó khăn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, xã đã chỉ đạo cán bộ thôn dịch tài liệu tuyên truyền sang tiếng Mông, thu âm vào điện thoại rồi đi đến từng khu dân cư phát qua loa di động để tuyên truyền, từ đó nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh. Kết quả, đến nay, 100% người dân trên địa bàn xã đã được tiêm 2 mũi bạch hầu.

Ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk cho biết: Các trạm đã tổ chức quy trình tiêm chủng rất bài bản, đúng quy trình. Mỗi TTYT có nhóm chuyên trách về tiêm chủng thực hiện giám sát công tác tiêm chủng tại cơ sở; ở trạm có cán bộ phụ trách. Các Trạm Y tế đều có lịch tiêm rất cụ thể, mỗi tháng tiêm 3 - 4 ngày. Đối với những cụm dân cư ở xa trung tâm, ngoài ngày tiêm ở Trạm còn phải tổ chức tiêm ngoài Trạm.

Tuy nhiên, hiện nay thiết bị y tế phục vụ tiêm chủng rất thiếu thốn, nhưng chưa bố trí được kinh phí. Chính sách về TCMR cũng có thay đổi. “Do đó, cần phải có giải pháp đặc thù thì mới lấp đầy được những “vùng lõm” tiêm chủng này”, ông Trí chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.