Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tín ngưỡng cúng rừng và “lá phổi xanh” ở Bản Mế

Hoàng Quý - 07:41, 03/09/2021

Ngược lên thượng nguồn dòng sông Chảy, chúng tôi đến thôn Bản Mế (xã Bản Mế) nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Nùng ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất, là màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng già nguyên sinh.

Thầy cúng chuẩn bị làm lễ cúng rừng. (Ảnh: TL)
Thầy cúng chuẩn bị làm lễ cúng rừng. (Ảnh: TL)

Trong tâm thức của người Nùng ở xã Bản Mế, rừng thiêng có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống và tâm linh, đây là nơi Thần rừng cư ngụ, được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và những điều kiêng kỵ. Đối với họ, không được xâm phạm nơi ở của Thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn, và việc bảo vệ rừng thiêng đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay.

Theo già làng Lùng Dảo Chín, Người có uy tín ở Bản Mế, người dân ở Bản Mế luôn tự hào khi nhắc đến khu rừng nguyên sinh của mình. “Không ai dám phá rừng, chỉ tìm cách để bảo vệ nó thôi. Cứ đời này qua đời khác, người dân Bản Mế coi rừng như tính mạng của mình. Trong tâm trí của người dân, cánh rừng là báu vật, nó là tấm bình phong che chở dân làng mỗi mùa gió bão”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, già làng Chín đưa chúng tôi đi chiêm ngưỡng “báu vật” của làng. Chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước khu rừng nguyên sinh ở sát khu dân cư này. Không một dấu vết bị tàn phá, thảm thực vật phong phú với nhiều loại cây dây leo cùng hàng hàng, lớp lớp những gốc cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi, có kích thước lớn, có gốc cây to đến 2 - 3 người ôm không xuể… lừng lững giữa trời xanh.

Hầu hết người dân ở Bản Mế đồng tâm bảo vệ rừng. Mỗi nhóm gia đình cử 2 - 3 người luân phiên nhau đi kiểm tra hằng tuần, nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi thì lập tức báo tin về bản. Ở vào thời điểm mà thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, thì người dân Bản Mế càng tích cực hơn trong việc phủ xanh đồi trọc bằng những dự án trồng rừng.

Một góc xã Bản Mế, Si Ma Cai, Lào Cai với màu xanh ngát của đồng ruộng và những khu rừng già
Một góc xã Bản Mế, Si Ma Cai, Lào Cai với màu xanh ngát của đồng ruộng và những khu rừng già

Những quy ước giữ rừng của cộng đồng người Nùng đã trở thành thiết chế văn hóa trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng cấm Bản Mế rất linh thiêng, người Nùng trong làng quan niệm, người nào vi phạm vào rừng cấm sẽ bị Thần rừng trừng phạt nên không người nào dám chặt cây, lấy củi, kể cả những cành cây khô rụng xuống cũng không ai dám lấy. Cũng từ tín ngưỡng thờ Thần rừng và bảo vệ rừng, không chỉ rừng cấm mà các khu rừng khác xung quanh thôn Bản Mế đều xanh tốt, giống như lá phổi xanh điều hòa khí hậu, làm cho không khí luôn trong lành, những dòng suối đầy ăm ắp nước cung cấp cho cánh đồng lúa thêm tươi tốt.

Trước khi chia tay, già làng Lùng Dảo Chín nhiệt tình mời chúng tôi dịp 30 tháng Giêng năm sau lại về Bản Mế chơi. Theo lời già làng, đó là ngày hội của người dân nơi đây, trong làng đều góp tiền mua con lợn to và các lễ vật dâng cúng Thần rừng, cầu thần phù hộ cho mùa màng bội thu, ngô lúa được mùa, cuộc sống ấm no.

Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa của cư dân nông nghiệp, tục cúng Thần rừng của người Nùng còn mang một ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, đó là ý nghĩa giáo dục Nhân dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống xung quanh con người.

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.