Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tình người Sán Chỉ dưới chân núi Cao Ly

Thiên An - Mỹ Dung - 06:43, 08/11/2022

Từ ngàn xưa đến nay, người Sán Chỉ sinh sống dưới chân núi Cao Ly tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) vẫn duy trì nếp sinh hoạt mang tính cộng đồng cao. Chính từ nét đẹp văn hóa này đã giúp họ đồng lòng cùng nhau vượt qua những khó khăn, hạn chế về điều kiện sống, cùng nhau xây dựng cuộc sống ổn định và phát triển kinh tế…

Bà con Sán Chỉ giúp nhau làm nhà
Bà con Sán Chỉ giúp nhau làm nhà

Tình làng, nghĩa xóm

Dưới cái nắng vàng của buổi sớm thu, theo chân ông Lý Văn Linh, Người có uy tín thôn Pò Đán tới thăm gia đình ông Sằn A Phùn. Nhà ông Phùn đang trong quá trình hoàn thiện việc xây dựng. Ông Phùn phấn khởi chia sẻ: Nhà tôi thuê thợ xây, nhưng vật liệu như  sỏi, cát đổ mái thì được hàng xóm, anh em tự ra ngoài suối khai thác giúp về nên việc xây nhà cũng đỡ tốn kém hơn.

Chứng kiến không khí nhộn nhịp hào hứng nhặt sỏi, gánh sỏi, đổ sỏi vào bao của các bà, các chị ở bên bờ suối, càng cảm nhận hơn về tinh thần đoàn kết, nét đẹp văn hóa từ sự gắn kết cộng đồng, tình làng của đồng bào Sán Chỉ nơi đây.

Bà Trần Thị Mả, tay vẫn thoăn thoắt lựa chọn những viên sỏi, viên đá, cho biết, trước kia đường đi còn khó khăn, phương tiện còn chưa có, bà con vẫn giúp nhau nhặt sỏi, rồi gánh về có khi mất nửa ngày trời mới về đến nhà. Nay tiện hơn, mọi người nhặt, rồi gánh dồn lại một nơi, có xe tới lấy: “Chọn sỏi nhỏ vừa, về là dùng được luôn. Chúng tôi cứ hộ nào xây nhà là hàng xóm, họ hàng lại tập trung đi lấy sỏi giúp về đổ mái nhà”.

Bà con giúp nhặt, lấy sỏi ở cạnh suối về để làm mái nhà
Bà con giúp nhau nhặt sỏi để đổ mái nhà

Cứ như thế, những ngôi nhà kiên cố, lợp mái đỏ tươi, thấm đượm tình làng nghĩa xóm được hình thành dưới chân núi Cao Ly, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp, góp phần xóa tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát.

Không những vậy, bà con trong thôn Pò Đán đến mùa đều chung tay cấy hái, gặt lúa, thu hoạch nông sản... Trong sản xuất làm ăn, cũng từ sự chung tay giúp đỡ của người dân, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, nhiều gia đình tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.

Ông Lý Văn Linh, Người có uy tín thôn Pò Đán chia sẻ thêm: “Không chỉ xây nhà mà ngay cả việc cấy hái, thu hoạch nông sản bà con trong thôn đều làm như vậy. Bà con chỉ giúp nhau thôi, không đòi hỏi gì, làm xong ăn trưa rồi về. Còn giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cứ thấy hộ này phấn đấu thoát nghèo là hộ đằng sau lại tiếp tục theo”.

Ngày cưới của người dân tộc Sán Chỉ, cũng là ngày vui chung của cả bản làng. Trong những ngày trước và trong đám cưới... người thân, bạn bè, hàng xóm mỗi người một tay góp vui, góp việc nào là lấy củi, gói bánh, cất rạp... Điều đó làm tăng thêm sự tươi vui, phấn khởi, tạo cho sự gắn kết cộng đồng bền chặt của bà con Sán Chỉ nơi đây.

Tinh thần đoàn kết, gắn bó của đồng bào Sán Chỉ thể hiện càng rõ nét qua các hoạt động ma chay, hiếu hỉ...
Tinh thần đoàn kết, gắn bó của đồng bào Sán Chỉ thể hiện càng rõ nét qua các hoạt động ma chay, hiếu hỉ...

Góp sức xây dựng những con đường tươi sáng

Từ UBND xã Húc Động, đi men theo con đường dài 20 km, trải bê tông rộng 80cm ở giữa, chúng tôi được nghe về câu chuyện “Con đường làm từ sức dân” tới Khe Vằn Chảy. Được biết, con đường mới hoàn thành được cách đây 2 tháng, trong niềm vui lớn của bà con nơi đây.

Theo chia sẻ của người dân, trước đây con đường này nhỏ lắm, chỉ là đường trâu đi, cứ đến mùa thu hoạch hồi hay quế, bà con đều phải "cuốc bộ". Đường đi khúc khuỷu, đất đá mấp mô, lởm chởm, có những chỗ đá to chắn ngang, phải đi sát mép vực rất nguy hiểm. Đồng lòng vượt qua khó khăn, bà con nơi đây đã góp công, góp sức xây nên con đường xe máy chạy, rút ngắn thời gian di chuyển lên vùng sản xuất của bà con từ 60 phút xuống còn 20 phút. Con đường hình thành còn làm sáng lên vẻ đẹp của tinh thần đoàn kết, gắn bó của bà con Sán Chỉ nơi đây.

Đặc biệt, những năm gần đây, tuyến đường dài hơn chục cây số nối trung tâm huyện Bình Liêu, với xã Húc Động được đầu tư, mở rộng tới từng ngõ xóm, kết nối nhiều địa phương giúp người Sán Chỉ thuận lợi tiêu thụ nông sản, phát triển du lịch.

Ông Lý Văn Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Liêu phấn khởi thông tin:Không riêng gì người Sán Chỉ, tại xã Húc Động mà cả người Dao, Tày đều có truyền thống giúp đỡ nhau xây nhà và giúp nhau phát triển kinh tế. Đây là những nét đẹp được địa phương duy trì và nhân rộng, góp phần giữ gìn những bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong huyện Bình Liêu”.

Mỗi năm qua đi, cuộc sống bà con Sán Chỉ nơi ngày càng ổn định, nhiều căn nhà mới được dựng xây dưới chân núi Cao Ly. Và mỗi căn nhà ấy luôn có sự góp sức, góp công của người làng xóm, láng giềng. Những nghĩa cử này, đang góp phần dệt thêm nét đẹp  văn hóa, ấm thêm tình người của cộng đồng Sán Chỉ dưới những nếp nhà nơi biên cương Tổ Quốc.


Tin cùng chuyên mục
Báo động nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm

Báo động nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí có trường hợp tử vong tại Nha Trang (Khánh Hòa), TP.HCM, Đồng Nai thời gian qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không muốn phải trả giá, thậm chí bằng cả tính mạng.