Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

TP. Nha Trang (Khánh Hòa): Doanh nghiệp không trả đất, dân ra đường họp chợ

Hà Văn Đạo - 14:24, 17/12/2019

Khu đất đắc địa rộng hơn 5.000m2 ở đường Điện Biên Phủ, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) được quy hoạch làm chợ dân sinh cho hơn 20.000 người sống ở khu vực này giao thương. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa lại cho Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Quyết Thắng) thuê tạm. Đến nay đã quá hạn thuê, phải trả đất để xây chợ, nhưng doanh nghiệp lại chây ì, không trả, gây bức xúc cho người dân.

Quá hạn hơn 1 năm nhưng Công ty Quyết Thắng không trả đất để làm chợ
Quá hạn hơn 1 năm nhưng Công ty Quyết Thắng không trả đất để làm chợ

Phải ra đường họp chợ 

Là khu vực dân cư sinh sống đông đúc, khách du lịch tấp nập nhưng lại không có chợ, nên suốt nhiều năm nay, tuyến đường huyết mạch Dương Hiến Quyền (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) trở thành nơi giao thương của hàng vạn người. Không chỉ ách tắc giao thông, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, mà còn mất mỹ quan đô thị. 

Buôn bán tại đường Dương Hiến Quyền nhiều năm, bà Lê Thị Nhung bức xúc cho biết: “Những dịp cuối năm thế này hàng hóa nhiều, khách đông, phải bày tràn hết ra đường, chắn hết lối đi. Chợ quy mô hoành tráng quy hoạch nhiều năm nay nhưng cứ treo đó”.

Nhiều tiểu thương kinh doanh lâu ngày ở đường Dương Hiến Quyền cũng lo âu: Một số gia đình dẫn cả trẻ nhỏ đi chợ, sơ ý là bị khách qua đường quẹt vào ngay. Hơn nữa, chợ lại nằm ngay ở cổng Trường mầm non Sao Biển nên càng bất cập hơn. 

UBND phường Vĩnh Hòa cho biết vì tính cấp thiết của chợ dân sinh nên nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh rất quyết liệt. Phường cũng đã báo cáo, đề đạt lên cấp trên, mong sớm giải quyết nhu cầu chính đáng này của người dân. 

Được biết, diện tích đất hơn 5.000m2 để xây chợ cho dân được cho Công ty Quyết Thắng thuê và xây dựng hàng loạt ki ốt, cửa hàng để kinh doanh, mở cả hàng ăn và nhà chờ xe buýt, nhà điều hành, sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô rất kiên cố.

Cần sớm thu hồi 

Một số hộ kinh doanh ở đường Dương Hiến Quyền cho biết: Khu đất hơn 5.000m2 nằm ở nơi phát triển sầm uất, nếu Nhà nước không đầu tư mà kêu gọi các doanh nghiệp làm trung tâm thương mại kết hợp với chợ dân sinh cũng rất dễ dàng. Vậy nên có chợ sớm ngày nào, tiểu thương cũng như người dân đỡ khổ ngày đó. 

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, trong khi kêu gọi các nhà thầu, năm 2014, tỉnh cho Công ty Quyết Thắng thuê tạm diện tích đất trên. Hợp đồng thuê là thuê tạm, có thời hạn 4 năm (tháng 4/2018 là hết hạn). Trong hợp đồng, doanh nghiệp cũng phải cam kết: “Khi tỉnh xây chợ cho dân, Công ty phải tháo dỡ mọi công trình trên đất đã thuê”. Vậy nhưng đến nay đã quá hạn hơn 1 năm, đơn vị thuê không trả đất mà đưa ra lý do chưa tìm được nơi khác hợp lý. 

Trước tình hình trên, cũng như mong mỏi của hàng vạn người dân, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương khẩn trương phối hợp đưa đơn vị thuê đất sớm di dời để làm chợ. Đây sẽ là một trong những ngôi chợ quan trọng trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực cho đời sống Nhân dân ở khu vực phía Bắc Khánh Hòa. Từ đó thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. 

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo UBND tỉnh cần nhanh chóng có phương án thu hồi đất đã cho thuê. Nếu cần thiết, có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với Công ty Quyết Thắng.

Tin cùng chuyên mục
Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Trong quá trình thi công Thủy điện Plei Kần, Công ty Cổ phần Tấn Phát cam kết tài trợ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) 3 tỷ đồng để làm cầu treo qua sông Pô Kô phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất. Tuy nhiên, cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã gần 3 năm mà Công ty vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ. Việc này khiến cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ngọc Hồi - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư, bỗng dưng “mang nợ”. Bởi chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công.