Về thăm bà con đồng bào người Hoa tại khu vực các xã Sông Thao và Bàu Hàm thời gian này, những vườn tiêu, vườn cà phê năm nào nay đã không còn nữa. Thay vào đó là những vườn chuối xanh mướt tầm mắt, trải dài dọc hai bên đường.
A Nhì sở hữu diện tích trồng chuối lớn, đồng thời cũng là chủ của một cơ sở thu mua chuối xuất khẩu có tiếng trong vùng cho biết: “Vùng này, người Hoa mình sống tập trung đông đúc. Trước đây mọi người chủ yếu trồng tiêu và cà phê. Nhưng mấy năm vừa rồi, tiêu, cà phê liên tục mất giá. Giá bán thấp quá, nên bà con chặt bỏ hết, chuyển sang trồng chuối”.
Từ năm 2016, A Nhì đã mạnh dạn chặt bỏ hơn 5ha tiêu và cà phê kém hiệu quả của gia đình để chuyển sang trồng chuối cấy mô. Và sau gần 9 tháng chuyển đổi canh tác, diện tích chuối cấy mô của gia đình anh cho thu hoạch vụ đầu tiên. A Nhì tâm sự: “Sau khi thử nghiệm, mình thấy mô hình trồng chuối cấy mô rất hiệu quả. Bởi chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh. Trung bình mỗi ha, thu 300 - 400 triệu đồng”.
Từ việc áp dụng thành công mô hình trồng chuối cấy mô trên diện tích đất của gia đình, A Nhì quyết định thuê thêm 15ha đất, đầu tư mở rộng canh tác. Đồng thời vận động toàn bộ anh em, bà con đồng bào người Hoa cũng như nông dân trên địa bàn tham gia chuyển đổi sang mô hình này. Bên cạnh đó, A Nhì thành lập cơ sở chuyên thu mua chuối đóng thùng xuất khẩu. Cơ sở của A Nhì ngoài việc tiêu thụ sản phẩm, còn liên kết, cung cấp giống, hỗ trợ trồng và chăm sóc chuối cấy mô, cung cấp vật tư ngành chuối cho bà con đồng bào Hoa cũng như nông dân trồng chuối trên địa bàn.
Tham gia vào mô hình liên kết, hộ đồng bào A Sáng (ở ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm) cảm thấy vững tâm, bởi “mình chỉ cần siêng năng chăm sóc cây chuối theo đúng kỹ thuật, sản phẩm sau này bán cho cơ sở thu mua theo thỏa thuận đã ký từ trước rồi”. A Sáng cho biết: “Gia đình mình có gần 2ha trồng chuối cấy mô. Năm vừa rồi thu hoạch được hơn 90 tấn chuối, bán được hơn 800 triệu đồng. Trong đó, kinh phí đầu tư, tính cả giống và công chăm sóc khoảng 110 triệu đồng/ha”.
Còn hộ gia đình A Bẩu ở ấp Thuận An, xã Sông Thao có diện tích hơn 3ha. Năm vừa qua, gia đình A Bẩu cũng thu được hơn 1 tỷ đồng tiền bán chuối. A Bẩu cho biết: “Liên kết với cơ sở A Nhì, gia đình mình yên tâm vì bán được giá cao hơn”. Ngoài ra A Bẩu còn chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng chuối cấy mô có nhiều thuận lợi. Từ khi trồng đến khi thu hoạch là 8 - 10 tháng. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, chuối sau khi thu hoạch xong, các bụi chuối tiếp tục cho ra cây chuối non nên chỉ khoảng 6 tháng sau là có thể thu hoạch đợt tiếp theo. Sang năm thứ 2, sản lượng chuối có thể tăng gấp đôi”.
Chuối hiện là cây trồng chủ lực ở huyện Trảng Bom, với diện tích hơn 3.500ha, chiếm trên 50% diện tích trồng chuối toàn tỉnh. Hiện tại các xã có diện tích chuối lớn đều đã thành lập tổ hợp tác, hoặc các cơ sở liên kết trồng - chăm sóc - tiêu thụ sản phẩm chuối xuất khẩu. Khoảng 70% chuối của địa phương đang được thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Số còn lại tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước châu Á, châu Âu.