Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Trao cơ hội thoát nghèo từ hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế

Hoàng Thùy - 11:16, 29/11/2023

Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) có hoạt động hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù. Đây được xem là “cần câu” để giải quyết sinh kế, tạo động lực giảm nghèo nhanh, bền vững cho các DTTS có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống, thu nhập so với các dân tộc khác.

Trước khi được tiếp cận vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 9, đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã được tiếp cận chính sách hỗ trợ học nghề, bảo tồn nghề dệt truyền thống.
Trước khi được tiếp cận vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 9, đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã được tiếp cận chính sách hỗ trợ học nghề, bảo tồn nghề dệt truyền thống.

Giải quyết sinh kế

Quang Bình là huyện có đông đồng bào dân tộc Pà Thẻn - một trong 5 dân tộc có khó khăn đặc thù của tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 557 hộ dân tộc Pà Thẻn, sinh sống tập trung tại 9 thôn thuộc 6 xã. Bao gồm các thôn: Lùng Lý của xã Xuân Minh; Mác Thượng của xã Tân Trịnh; Nặm Khẳm của xã Tân Bắc; Hạ Sơn và Thượng Sơn của thị trấn Yên Bình; Khâu Làng của xã Tân Nam; Đồng Tiến, Pà Vầy Sủ và Thượng Bình của xã Yên Thành.

Thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719, huyện Quang Bình đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế; tạo động lực giảm nghèo nhanh, bền vững cho người dân ở 9 thôn có đông đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống.

Theo ông Nguyễn Đình Luân - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quang Bình, giai đoạn 2023 - 2025, huyện triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9 với tổng kinh phí đã được phê duyệt trên 11 tỷ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện thực hiện Tiểu dự án 1, trong đó có hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế. Riêng năm 2023, huyện thực hiện giải ngân 10,9 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ từ Tiểu dự án 1 – Dự án 9 góp phần giúp đồng bào dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn huyện tạo lập sinh kế bền vững.

Đơn cử ở thôn Nặm Khẳm (xã Tân Bắc), trong năm 2023 đã giải ngân được hơn 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc Pà Thẻn. Với mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/hộ, người dân đã sử dụng nguồn vốn để mua cây, con giống và phân bón; giúp bà con đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Gia đình ông Khủng Ngọc Khánh, Trưởng thôn Nậm Khẳm, là một trong những hộ được tiếp cận vốn hỗ trợ sản xuất từ Tiểu dự án 1 – Dự án 9. Từ số tiền được hỗ trợ, ông Khánh mua thêm 1 con trâu sinh sản.

“Qua công tác giám sát của thôn khi thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ sản xuất, bà con thấy cách làm chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, theo đúng nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Vốn hỗ trợ đã trao cho bà con trong thôn “cần câu” để từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống””, ông Khánh phấn khởi nói.

Khi sinh kế của người được đảm bảo, cơ sở hạ tầng được đầu tư thì các địa phương sẽ có thêm điều kiện để giải quyết triệt để các vấn đề cấp thiết ở vùng đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù. (Trong ảnh: Một góc xã bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh hà Giang – nơi có đông đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống tập trung)
Khi sinh kế của người được đảm bảo, cơ sở hạ tầng được đầu tư thì các địa phương sẽ có thêm điều kiện để giải quyết triệt để các vấn đề cấp thiết ở vùng đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù. (Trong ảnh: Một góc xã bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh hà Giang – nơi có đông đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống tập trung)

Tiếp nối chính sách

Cũng như huyện Quang Bình, các địa phương có đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã và đang quyết liệt giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 9; với phương châm thực hiện công khai, minh bạch, đúng theo nguyện vọng của đồng bào.

Tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Giang có 5 DTTS có khó khăn đặc thù, bao gồm: Lô Lô, Bố Y, Pà Thẻn, Cờ Lao và Pu Péo. Ngày 12/10/2023, HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-HĐND phê duyệt danh sách các thôn bản có đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù để thực hiện đầu tư.

Theo đó, toàn tỉnh có 48 thôn của 31 xã, thị trấn của 9 huyện thuộc địa bàn đầu tư của Tiểu dự án 1 – Dự án 9; có 1.687 hộ thuộc 5 DTTS có khó khăn đặc thù được thụ hưởng chính sách. Trong đó, dân tộc Lô Lô có 214 hộ, dân tộc Cờ Lao có 495 hộ, dân tộc Bố Y có 65 hộ, dân tộc Pà Thẻn có 791 hộ, dân tộc Pu Péo có 122 hộ.

Bên cạnh được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt, bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng dân số,... thì đồng bào các dân tộc có khó khăn đặc thù được hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kể để giảm nghèo nhanh, bền vững. Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế trong Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719 là sự kế thừa, bổ sung chính sách của giai đoạn trước, với quan điểm đầu tư phát triển. Việc triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế tiếp tục tạo điều kiện để đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù vươn lên.

Đồng bào dân tộc Mông thôn biên giới Khai Hoang 2, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang góp công làm đường bê tông về khu dân cư
Đồng bào dân tộc Mông thôn biên giới Khai Hoang 2, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang góp công làm đường bê tông về khu dân cư

Gia đình bà Tả Thị Tải, dân tộc Pà Thẻn, ở thôn Nặm Khẳm, xã Tân Bắc (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) là một ví dụ. Là hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn, trước đây, gia đình bà đã được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo; được hỗ trợ học nghề dệt truyền thống,... Trong năm 2023, từ kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế của Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719, gia đình bà có vốn để mua 18 con lợn giống và giống cây quế để trồng rừng. Việc đa dạng nguồn thu nhập là điều kiện để gia đình bà thoát nghèo bền vững.

Cũng như gia đình bà Tải, hàng chục nghìn hộ DTTS thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang được trao thêm “cần câu” để có sinh kế bền vững từ nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 9. Khi sinh kế của người được đảm bảo, cơ sở hạ tầng được đầu tư thì các địa phương sẽ có thêm điều kiện để giải quyết triệt để các vấn đề cấp thiết ở vùng đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù.

Khoản 2, Điều 40, Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 quy định cụ thể mức hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719 như sau:

- Đối với các hộ DTTS có khó khăn đặc thù được hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm: Tối đa 10 triệu đồng/hộ/năm;

- Hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất, tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất tại thôn, bản và học tập trao đổi kinh nghiệm cho cộng đồng;

- Hỗ trợ xây dựng mô hình, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động phát triển sản xuất khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (tối đa 500 triệu đồng/mô hình/tổ hợp tác).


Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.