Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Trên hành trình đi đến mùa Xuân

Hạnh Nguyên - 13:32, 20/01/2023

Những ngày giáp Tết Quý Mão 2023, có dịp về thăm vùng chuyên canh rau màu ở các huyện Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thị xã Vĩnh Châu… chứng kiến niềm vui, phấn khởi trên khuôn mặt sạm nắng của đồng bào Khmer bên những ruộng hành, vườn rau, dưa leo…, nghe họ kể chuyện vui, buồn trong mỗi mùa sản xuất, càng thấm hơn sự cảm nhận về giá trị niềm tin, sức lao động của những nông dân miền sông nước Sóc Trăng.

Rau màu Đại Tâm - Tham Đôn, Mỹ Xuyên đang rộn ràng chờ thị trường Tết
Rau màu Đại Tâm - Tham Đôn, Mỹ Xuyên đang rộn ràng chờ thị trường Tết

Những con số ấn tượng

Sóc Trăng có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Cây lúa, thủy sản vẫn là sản phẩm kinh tế chủ lực của địa phương. Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và biến đối khí hậu, nhưng tăng trưởng kinh tế của Sóc Trăng vẫn đạt 7,71%. Đặc biệt, ngành lúa gạo đã đem về kim ngạch xuất khẩu cho địa phương đạt 250 triệu USD, tăng 17,37% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD…

Đây là con số ấn tượng, không chỉ làm người nông dân phấn khởi mà còn làm nhiều nhà kinh tế bất ngờ, bởi thời gian vừa qua, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, từ diễn biến của thế giới, giá vật tư nông nghiệp hầu hết tăng mà nông dân vẫn có nguồn lợi nhuận từ trồng lúa, thủy sản mang lại.

Một ngày cuối tháng 12/2022, đi xuyên tuyến đường tỉnh 934 trải từ vùng ngoại ô Tp. Sóc Trăng, qua xã Tài Văn, rồi Đại Ân - Long Phú, Trần Đề..., ngắm những cánh đồng lúa đặc sản đang thì xanh mướt trải dài, những trại tôm, vuông tôm nơi thì đang cải tạo, nơi đã thả giống... thấy được chiến lược phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương đang tiếp tục được những người nông dân hiện thực hóa.

Thu hoạch tôm thẻ ở Nhu Gia, Mỹ Xuyên
Thu hoạch tôm thẻ ở Nhu Gia, Mỹ Xuyên

Trò chuyện cùng một kỹ sư nuôi trồng thủy sản tại vuông tôm, anh nhìn nhận rằng, chủ trương đầu tư các tuyến đường kết nối giao thông, trục phát triển kinh tế của tỉnh, với nguồn lực đầu tư hàng nghìn tỷ đồng…, đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên giá trị tăng cao cho hàng hóa nông sản. Đặc biệt, mặt hàng tôm nước lợ cũng như các mặt hàng thủy sản khác, “việc rút ngắn thời gian vận chuyển từ nơi thu hoạch đến nhà máy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm sau khi chế biến. Với hạt lúa cũng vậy, mấu chốt là thời gian vận chuyển trên đường cần phải được rút ngắn tối đa..., đó chính là một trong những lý do hàng nông sản, thủy sản của Sóc Trăng thăng hạng về chất lượng cao sau chế biến, đáp ứng được yêu cầu các thị trường khó tính trong và ngoài nước”, anh kỹ sư nói.

Trên hành trình đi đến mùa Xuân

Trung tuần tháng Chạp về với Vĩnh Châu, thủ phủ của “củ hành tím”, chứng kiến cảnh nông dân phấn khởi, rộn ràng trên những cánh đồng hành tím. Hơn 1.200 ha đã được xuống giống hoàn tất, trong đó, hơn 40% diện tích được sản xuất theo hướng hữu cơ. Những ngày cận Tết, trong khi nhiều nơi khác bắt đầu chộn rộn chuyện sắm sanh, thì tại đây, nông dân vẫn xuống đồng, bận bịu với việc chăm bón các thửa hành tím trong sự háo hức, nghĩ tới màu sắc ấn tượng, vị ngọt và cay nhẹ của loài củ được ví như “vua của các loài hành” nổi bật trên mâm cỗ Tết khắp các gia đình trong cả nước.

Trò chuyện cùng chị Đinh Thị Hà (42 tuổi) ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, tôi được biết, khó khăn của dịch bệnh, giá cả phân bón tăng cao đã khiến bà con nông dân địa phương chú trọng hơn việc ứng dụng những kỹ thuật canh tác mới, như: phủ bạt nông nghiệp cho liếp hành, lắp ống tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, giảm bớt chi phí sản xuất... Những biện pháp không hẳn mới mẻ, nhưng được áp dụng phổ biến và triệt để đã khiến các thửa hành tím tươi tốt và xanh hơn, làm người trồng hành lạc quan hơn về kết quả mùa vụ sắp tới.

Những cánh đồng lúa đặc sản ở Trần Đề
Những cánh đồng lúa đặc sản ở Trần Đề

Ở vùng chuyên canh rau màu Đại Tâm, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên), những loại rau màu phục vụ Tết đã xanh đồng. Ông Hồ Sinh, ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn không giấu nổi cảm xúc: “Cuộc sống đã dần ổn định nên hơn tháng trở lại đây, giá rau màu đã tăng trở lại. Được giá vụ rau Tết này, mùa tới, chắc chắn nông dân sẽ thêm mở rộng diện tích”.

Kết thúc năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm từ 22.120 hộ nghèo (6,64%) cuối năm 2021, còn 15.139 hộ nghèo (4,54%) vào cuối năm 2022. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm hơn 3%.

Không riêng vùng rau Đại Tâm, triển vọng tích cực về cây rau cũng có ở nhiều nơi khác. Ông Thạch Sương ở ấp Xóm Tro, xã Châu Hưng (Thạnh Trị) là người từng có hơn 20 năm chuyên canh nhiều loại màu: dưa leo, khổ qua, rau cải các loại… Đón Tết này, trên phần đất canh tác gia đình, ông Sương còn trồng đậu ve, ớt chỉ thiên, bởi theo dự đoán của ông, tới đây giá ớt, giá đậu ve sẽ còn lên… Dự đoán cùng bài tính của ông Thạch Sương là một dấu hiệu mừng, cho thấy, dường như đã qua thời cảm tính làm ăn theo kiểu bắt chước, nơi này đã có những người biết đầu tư bài bản dựa trên sự phân tích thị trường...

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, diện tích rau màu đã xuống giống là hơn 52.360 ha, tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đã có 117 nhà lưới, nhà màng sản xuất rau sạch đang hoạt động phục vụ thị trường Tết Quý Mão sắp tới. Con số đó hứa hẹn một mùa thu hoạch lạc quan.

Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng phấn khởi thông tin, với nguồn lực đầu tư của Trung ương tạo điều kiện để Sóc Trăng phát triển, nhất là trong bối cảnh Sóc Trăng có cơ hội là cửa ngõ giao thương, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nước tiểu vùng sông Mê Kông qua hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến hàng hải quốc tế; những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, cùng sự đồng lòng của Nhân dân... Sóc Trăng đang có những bước phát triển ổn định.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.