Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Khánh Thư - 11:20, 02/05/2024

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cùng Đoàn công tác thăm gia đình ông Giàng A Sinh ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là hộ nghèo được hỗ trợ làm mới nhà ở từ Chương trình MTQG (tháng 12/2023)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cùng Đoàn công tác thăm gia đình ông Giàng A Sinh ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là hộ nghèo được hỗ trợ làm mới nhà ở từ Chương trình MTQG (tháng 12/2023)

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Cùng với lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719, thời gian qua, UBDT đã chủ trì, phối hợp rà soát, đánh giá tổng thể các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành về lĩnh vực công tác dân tộc (CTDT); đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về CTDT. Đây là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP.

Việc rà soát, đánh giá quy định hệ thống pháp luật hiện hành có ý nghĩa rất quan trọng đối với lĩnh vực CTDT, thực hiện chính sách dân tộc (CSDT). Hiện khối lượng chính sách, pháp luật về dân tộc tương đối toàn diện, bao trùm các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Theo thống kê, sau Hiến pháp 2013, Quốc hội đã thông qua hơn 90 luật và hơn 50 nghị quyết liên quan đến CSDT; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành hơn 640 văn bản có quy định về dân tộc, CSDT.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, hệ thống pháp luật về CTDT liên tục được hoàn thiện theo yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạch định chính sách, áp dụng pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT vẫn còn những vướng mắc nhất định.

Để đáp ứng yêu cầu mới về CTDT, thực hiện CSDT, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng, UBDT và HĐDT của Quốc hội đã tổ chức các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý để rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành. Gần đây nhất, ngày 11/4/2024, UBDT và HĐDT của Quốc hội phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội thảo cấp quốc gia để lấy ý kiến trong việc xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng DTTS và miền núi.

Trước đó, ngày 21/2/2024, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013”. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thống nhất với mục đích của Đề án là rà soát các quy định liên quan đến CSDT trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành; phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khắc phục, sửa đổi, bổ sung quy định của văn bản quy phạm pháp luật về CTDT, thực hiện CSDT.

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, đề xuất xây dựng “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS”; “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi…; Bộ Y tế chủ trì xây dựng “Đề án tăng cường truyền thông, cung cấp dịch vụ dân số cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2030”; “Đề án tầm soát ung thư cho đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn”… UBDT được giao đầu làm mối thống nhất theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

ập trung đổi mới mô hình

Một trong những yêu cầu trong Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ là ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng. Để thực hiện được mục tiêu này thì đòi hỏi việc hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT được đặt lên hàng đầu.

Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, theo kế hoạch công tác, UBDT và HĐDT của Quốc hội đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và CSDT; từ đó điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với chủ trì, phối hợp rà soát, đánh giá hệ thống quy định pháp luật hiện hành, UBDT cũng đang đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP. Trong đó, để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình MTQG 1719, UBDT đã ưu tiên thực hiện “Đề án tăng cường chuyển đổi số trong cơ quan làm CTDT”. Sau quá trình lấy ý kiến rộng rãi, hiện UBDT đang tổng hợp, hoàn thiện đề án trình Thủ tướng Chính phủ....

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu thực tiễn CTDT, thực hiện CSDT, UBDT đã đề xuất xây dựng “Đề án đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về CTDT”. Mục tiêu của Đề án là nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo Báo cáo số 464/BC-UBDT ngày 25/3/2024 của UBDT, hiện đơn vị soạn thảo đang tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý của Ban cán sự, Lãnh đạo UBDT để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.