Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Triển khai Chương trình MTQG 1719 ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Tạo bước tiến mới trong giáo dục đào tạo (Bài 2)

Văn Hoa - 15:55, 03/07/2024

Nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã tận dụng mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học ở vùng DTTS và miền núi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Giải quyết các vấn đề bức thiết

Tại Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long, trong 2 năm 2022 và 2023, Nhà trường được đầu tư 2 công trình nhà lớp học 2 tầng 6 phòng học tại Điểm trường chính và Điểm trường Lân Quan (cách điểm trường chính 7km).

Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long được xây dựng khang trang, sạch sẽ, giúp các em học sinh DTTS có điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất (Ảnh TL)
Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long được xây dựng khang trang, sạch sẽ, giúp các em học sinh DTTS có điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất (Ảnh TL)

Cô giáo Trịnh Thị Vân, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, nếu như trước đây, tại Điểm trường Lân Quan (98/98 học sinh dân tộc Mông) chỉ có 5 phòng học tạm (không có phòng bộ môn) thì nay, nhờ sự quan tâm đầu tư, Nhà trường đã có 5 phòng học khang trang đảm bảo về diện tích, có thêm 3 phòng bộ môn (Tin học, Tiếng Anh và Giáo dục nghệ thuật - Khoa học công nghệ), 1 phòng họp giáo viên. Điểm trường chính hiện có đủ 10 phòng học và 4 phòng bộ môn khang trang.

Theo cô Vân, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà trường còn được quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị như máy tính, máy chiếu, giường, tủ, bếp nấu..., đảm bảo chăm lo cho học sinh bán trú trong trường… Nhờ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường được nâng lên rõ rệt.

Tương tự, tại xã Hòa Bình, chúng tôi được cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQL) huyện Đồng Hỷ dẫn đi thăm công trình trường học do BQL là chủ đầu tư vừa được đưa vào khai thác, sử dụng tại Trường Mầm non Hòa Bình. Đây là ngôi trường có hơn 60% học sinh DTTS.

Bà Nguyễn Thị Minh Khoái, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Bình cho hay, trước kia trường có 6 lớp, 150 cháu, hơn 60% học sinh là người DTTS, chủ yếu là Tày, Nùng. Các lớp học trong trường không đủ diện tích, nhiều phòng học phải học nhờ các phòng chức năng, phòng học cơi nới, nền lớp bong tróc, tường rạn nứt, trần nhà dột nát, mùa đông gió lạnh, mùa hè nóng nực khiến phụ huynh không yên tâm đưa con đến lớp, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp… Do không có phòng học nên Nhà trường không tách được lớp, có lớp số học sinh quá tải so với quy định khiến hoạt động dạy và học vô cùng khó khăn.

Trường Mần non Hòa Bình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Hỷ làm chủ đầu tư được xây mới khang trang, sạch sẽ
Trường Mầm non Hòa Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Hỷ làm chủ đầu tư được xây mới khang trang, sạch sẽ

Trước những khó khăn đó, huyện Đồng Hỷ đầu tư xây dựng thêm 1 công trình nhà 2 tầng kiên cố, với 8 phòng học, mỗi phòng học có diện tích trên 60m2 và một số công trình, cơ sở vật chất khác. Nhờ đó, Nhà trường có đủ số phòng cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đảm bảo diện tích, có đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng mát, trang trí đẹp và phù hợp…

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Bình cười vui, bây giờ phụ huynh học sinh yên tâm gửi con, em đến lớp rồi. Năm học 2023-2024, nhà trường tăng số lượng học sinh lên 160 cháu, trong đó có 104 cháu là người DTTS; cơ sở vật chất, thiết bị học tập đầy đủ, chất lượng giáo dục đào tạo từ đó cũng đã được nâng lên

Theo Báo cáo của UBND huyện Đồng Hỷ, thực hiện tiểu Dự án 1, Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tổng kinh phí cho giai đoạn 2021 - 2025, là 16 tỷ 440 triệu đồng; vốn đầu tư giao đến năm 2024 là 12 tỷ 922 triệu đồng. Với nguồn kinh phí trên, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng 6 công trình trường lớp học cho các trường bán trú, các trường có học sinh bán trú tại các xã Văn Lăng, Tân Long, Hợp Tiến.

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó

Hiện nay, toàn huyện Đồng Hỷ có 58 cơ sở giáo dục (THPT: 3 trường, THCS: 16 trường, Tiểu học: 20 trường, Mầm non: 19 trường) và 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 15 trung tâm học tập cộng đồng. Nhờ được quan tâm đầu tư cho công tác giáo dục, đội ngũ giáo viên tiếp tục được tăng cường về số lượng, được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trên địa bàn huyện là 1.222/1.262 đạt 96,8%, trong đó trên chuẩn đạt 29,3%.

Kết quả đối với giáo dục mầm non: tỷ lệ trẻ DTTS 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 93%, tỷ lệ trẻ DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%, duy trì tỷ lệ trẻ em DTTS từ 5-6 tuổi được chuẩn bị điều kiện vào học lớp 1 đạt 100%.

 Đối với giáo dục phổ thông: tỷ lệ trẻ DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học đạt 100%, Tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành CTTH đạt 99,9%, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có hạnh kiểm từ khá trở lên đạt 98%, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có học lực từ khá, giỏi đạt 63% trở lên. Tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THCS đạt 100%. Tỷ lệ học sinh DTTS đỗ vào lớp 10 đạt từ 77% trở lên.

Lớp học khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy học giúp học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, chất lượng giáo dục cũng vì thế được nâng lên (Trong ảnh: Điểm trường Bản Tèn (100% học sinh dân tộc Mông), Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng)
Lớp học khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy học giúp học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, chất lượng giáo dục cũng vì thế được nâng lên (Trong ảnh: Điểm trường Bản Tèn (100% học sinh dân tộc Mông), Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng)

Đặc biệt, huyện Đồng Hỷ còn quan tâm thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ chính sách theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đúng quy trình và các bước đối với học sinh, như giảm học phí, hỗ trợ cho trẻ mẫu giáo và phát triển giáo dục mầm non…

Nhờ quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Đồng Hỷ được nâng cấp, 53/53 trường công lập huyện đạt chuẩn quốc gia (đạt 100%), trong đó trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 18/53 trường (đạt 34%). Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trong giai đoạn từ năm học 2019- 2020 đến năm học 2023-2024 đã đạt được nhiều kết quả tích cực./.