Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Trợ cấp xã hội: Độ vênh giữa chính sách và thực tế ngày càng lớn

Sỹ Hào - 19:51, 16/04/2020

Chính sách trợ cấp xã hội (TCXH) hằng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) được triển khai từ năm 2013 đến nay theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (NĐ 136). Sau gần 8 năm, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới.

Nghệ nhân dân gian sẽ được TCXH từ năm 2021, nhưng số lượng rất hạn chế. (Ảnh minh họa).
Nghệ nhân dân gian sẽ được TCXH từ năm 2021, nhưng số lượng rất hạn chế. (Ảnh minh họa).



Định mức thấp

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), thực hiện một số chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên (trong đó có TCXH hằng tháng) theo NĐ 136, trong năm 2019, ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương đã chi hơn 17,56 nghìn tỷ đồng. Trước đó, năm 2018, tổng chi cho một số chính sách này cũng gần 20 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng chi cho chính sách TCXH hằng tháng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Cả nước hiện có trên 3 triệu đối tượng hưởng TCXH hằng tháng. Nếu lấy định mức chuẩn hiện hành là 270.000 đồng/người/tháng (không tính ngân sách địa phương hỗ trợ thêm) thì mỗi năm, ngân sách nhà nước chi khoảng 810 tỷ đồng cho chính sách TCXH hằng tháng

Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, TCXH hằng tháng hiện chỉ bằng khoảng 7% thu nhập bình quân, 38% chuẩn nghèo nông thôn. Đáng chú ý, trong khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng để phù hợp với giá cả thị trường thì mức chuẩn TCXH hằng tháng vẫn “giậm chân tại chỗ”. Từ năm 2013 - 2019, mức lương cơ sở tăng từ 1,15 triệu đồng lên thành 1,49 triệu đồng; nhưng mức chuẩn TCXH vẫn giữ nguyên 270.000 đồng.

Bên cạnh chi TCXH hằng tháng, kinh phí trợ giúp xã hội còn lại (trên dưới 10 nghìn tỷ đồng/năm) được chi thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng BTXH và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, định mức chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng BTXH cũng rất thấp.

Lấy trường hợp bệnh nhân tâm thần đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị tại các trung tâm BTXH làm dẫn chứng. Theo NĐ 136, mỗi tháng, ngân sách sẽ hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/bệnh nhân/ngày. Định mức hỗ trợ này nếu vào thời điểm năm 2013 có thể phù hợp, nhưng vào thời điểm này là hoàn toàn quá thấp.

Đáng chú ý, đối với những bệnh nhân tâm thần, việc khám chữa bệnh chủ yếu là sự duy trì sức khỏe tạm thời; hầu hết phải sử dụng thuốc thường xuyên, liên tục, nhất là thuốc bổ. Nhưng kinh phí hỗ trợ từ năm 2013 cho đến nay vẫn chỉ là 75.000 đồng/người/tháng nên hầu như thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho bệnh nhân không có.

Độ bao phủ chưa lớn

Chính sách TCXH hằng tháng với mục tiêu là hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, không nơi nương tựa. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện NĐ 136, vẫn còn một bộ phận dân cư thật sự khó khăn chưa được hưởng trợ cấp thường xuyên như người nghèo kinh niên, không có khả năng lao động, không thể thoát nghèo… Đặc biệt là tình trạng “cào bằng” trong thực hiện chính sách đã khiến một số người thực sự cần TCXH hằng tháng lại không được thụ hưởng.

Một trong những đối tượng được TCXH hằng tháng hiện nay là người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên), không có lương hưu, không có BHXH. Nhưng trình tự thực hiện chính sách này lại không yêu cầu phân biệt những trường hợp được TCXH hằng tháng có mức sống như thế nào, nghèo hay khá giả.

Đó là chưa kể, chính sách TCXH hằng tháng cho nhóm người cao tuổi chưa được nhìn nhận ở góc độ tuổi thọ bình quân. Quy định hiện nay là người 80 tuổi trở lên mới được nhận TCXH; nhưng đối với đồng bào DTTS, tuổi thọ bình quân thường thấp hơn tuổi thọ bình quân cả nước.

Một trong những đối tượng còn bỏ sót trong thực hiện chính sách TCXH hằng tháng là đội ngũ nghệ nhân dân gian. Dù không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng nhưng ngày ngày họ đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH mới đây, từ năm 2021, chính sách TCXH sẽ bổ sung nhóm đối tượng này. Nhưng Bộ LĐTB&XH chỉ lập danh sách khoảng 150 nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú đã được Nhà nước phong tặng. Trong khi cả nước hiện có hàng nghìn nghệ nhân dân gian chưa được công nhận vẫn miệt mài “vác tù và” gìn giữ văn hóa cho đời sau.



Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.