Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Trọn đời với văn hóa Thổ

An Yên - CTV - 05:45, 28/11/2023

Lớn lên từ những câu hát dân ca, điệu khắc luống, rồi cùng đu đưa theo tiếng kẽo kẹt của chiếc võng gai… - hồn cốt của văn hóa dân tộc Thổ đã ngấm vào ông từ thuở bé thơ. Đau đáu với những nét văn hóa của dân tộc đang dần mai một, nghệ nhân Trương Thanh Hải, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp, Nghệ An) gần như đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn và phục dựng hồn cốt của đồng bào Thổ nơi miền Tây xứ Nghệ.

Nghệ nhân Trương Thanh Hải biểu diễn một trong số các nhạc cụ đồng bào Thổ
Nghệ nhân Trương Thanh Hải biểu diễn một trong số các nhạc cụ của dân tộc Thổ

“Sống dậy” một miền văn hóa

Trương Thanh Hải sinh ra trong một gia đình có bố là cán bộ Quân y công tác tại Cục Hậu cần, mẹ là cán bộ phụ nữ xã. Từ thuở còn nằm nôi ông đã được đắm mình trong những lời ca dìu dặt êm đềm đậm đà ý tứ của của bà, của mẹ. Cũng vì tài năng thiên bẩm, bà nội của ông đã từng là một ca nương của dàn nhạc cung đình Huế ở thế kỷ XIX.

Tuổi thơ lớn dần theo câu hát, cùng với những năng khiếu bản thân, ông sớm trở thành trung tâm các hoạt động tập thể của thanh niên ở địa phương. Chẳng thế mà, sau khi tòng quân bảo vệ biên giới phía Bắc trở về, sẵn có chút năng khiếu, ông theo học lớp Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An, rồi được phân công phụ trách công tác văn hóa xã Nghĩa Xuân.

Như “cá gặp nước”, những đam mê, trăn trở của ông về dân ca Thổ nói riêng và bản sắc văn hóa Thổ nói chung, như có thêm đất sống. 25 năm qua, bước chân nghệ nhân Hải đã in dấu khắp bản làng miền Tây xứ Nghệ. Đi đến đâu, ông cũng chịu khó tìm gặp các già làng; say sưa, mê mẩn, tỉ mỉ sưu tầm và lưu giữ các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt, các phong tục tập quán truyền thống của đồng bào Thổ ở huyện Quỳ Hợp.

Hàng chục năm qua, nghệ nhân Hải luôn đau đáu với những nét văn hóa của dân tộc Thổ đang bị mai một
Hàng chục năm qua, nghệ nhân Hải luôn đau đáu với những nét văn hóa của dân tộc Thổ đang bị mai một

Những hoạt động diễn xướng cồng chiêng, khắc luống, rồi tục cúng mo, cúng vía, chuyện cổ tích Chàng Bông Hương chị Á nàng Xầm, 100 câu hát Dạ ời… đã được nghệ nhân Trương Thanh Hải sưu tầm lưu giữ.

Để văn hóa Thổ bền vững với thời gian, được nhiều thế hệ biết đến, nghệ nhân Hải đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động người dân phục dựng lễ bốc Mó - một tập tục cổ xưa của người Thổ mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho nguồn nước dồi dào để phục vụ cuộc sống sinh hoạt và việc tưới tiêu của nông dân đã từ lâu đã bị mai một.

 Nghệ nhân Trương Thanh Hải cho biết: Trong quan niệm của người Thổ, mó nước là nơi linh thiêng, cung cấp nguồn nước trong mát, ngọt lành cho dân làng. Người Thổ xưa kia khi đi tìm đất định cư lập làng thường chọn hang đá nơi có nguồn nước dồi dào đùn từ dưới đất lên. 

Sau khi lập làng, vào ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm, dân làng sẽ tập trung tại mó nước, thường là trước cửa hang để cúng thần cửa hang, báo với Ngọc Hoàng chứng giám và mời thần mó về hưởng thụ lòng biết ơn của dân làng đã ban cho nguồn nước dồi dào. Sau lễ cúng, các già làng sẽ chọn những thanh niên trai tráng tiến hành làm sạch các mương dẫn nước, vệ sinh môi trường để đảm bảo nguồn nước mó luôn được sạch sẽ, tuôn chảy.

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2022), nghệ nhân Hải là một trong hai gương điển hình của tỉnh Nghệ An có mặt trong 123 gương điển hình được lựa chọn, giới thiệu từ các địa phương, đơn vị trong cả nước để tham gia Triển lãm Hồ Chí Minh “những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Ngoài lễ Bốc Mó, những làn điệu dân ca, dân vũ, những tập tục của đồng bào dân tộc Thổ do nghệ nhân Trương Thanh Hải sưu tầm, phục dựng đều được phát triển rộng rãi trong các làng bản cho nhiều tầng lớp nhân dân trong xã, trong huyện thông qua thành lập các câu lạc bộ. Đó cũng là lí do rất dễ hiểu khi Câu lạc bộ dân ca Thổ đầu tiên được thành lập ở xóm Mó vào năm 2003 và được tỉnh Nghệ An công nhận là mô hình văn hóa cấp tỉnh.

Có lẽ cũng chính nhờ vào tâm huyết của của một con người, nhờ vào nét đặc sắc của văn hóa Thổ, nhờ vào tài năng của một lão nông miền sơn cước đam mê và nhiệt huyết… nên ông đã được mời tham gia biểu diễn tái hiện lại “Lễ bốc Mó” tại làng văn hóa 54 dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sóc Sơn (Hà Nội) và ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III tại Quảng Ngãi.

Một tiết mục văn nghệ tại xóm Mo Mới có công lớn từ việc sưu tầm, phục dựng của nghệ nhân Hải
Một tiết mục văn nghệ tại xóm Mo Mới có công lớn từ việc sưu tầm, phục dựng của nghệ nhân Hải

Trao truyền và phát triển

Vốn là một cán bộ văn hóa, nghệ nhân Trương Thanh Hải luôn tâm huyết góp sức thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Từ sưu tầm đến phục dựng lễ hội bốc Mó và thành lập câu lạc bộ dân ca, bản sắc văn hóa của người Thổ đã có thêm cơ hội phát triển. Ông Trương Đình Nhi - Bí thư Chi bộ, già làng xóm Mo Mới cho biết: Nghệ nhân Trương Thanh Hải đã tư vấn, góp công, góp sức cùng chi ủy chi bộ, ban quản lý xóm và nhân dân thành lập Câu lạc bộ dân ca Thổ với 45 thành viên đủ mọi lứa tuổi thuộc 3 thế hệ. Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần vào thứ bảy, chủ nhật để “giữ lửa” tình yêu và ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Thổ cho các tầng lớp nhân dân.

Nghệ nhân Trương Thanh Hải là một trong ba cá nhân của tỉnh Nghệ An vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” tôn vinh điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Lại nói về việc phục dựng lễ hội Bốc Mó, lễ hội này được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm gồm 2 phần (phần lễ đi thuyền từ đập dưới lên mó nước và đền Mó của xóm Mo Mới để làm nghi lễ cúng rước; phần hội gồm các hoạt động múa hát, cồng chiêng, khắc luống, ẩm thực thu hút đông đảo du khách trong và ngoài xã đến dự). Điểm nhấn trong lễ hội là bài dân ca cổ Tang Khang Lẻ nói về quá trình lao động, sản xuất của người dân do nghệ nhân Trương Thanh Hải sưu tầm đã được biểu diễn.

Thời còn làm cán bộ văn hóa xã và sức khỏe còn tốt, hễ nghe ở đâu có nhân tố, nhất là nhân tố trẻ, nghệ nhân Trương Thanh Hải lại cặm cụi đến để vận động các cháu tham gia các hoạt động bảo tồn dân ca Thổ. Từ những tâm tình, thủ thỉ và nhất là thấy được niềm đam mê cháy bỏng của ông, nhiều cháu đã “nối nghiệp” rồi trở thành hạt nhân văn nghệ nòng cốt của xã, của xóm. Với niềm đam mê của mình, ông đã truyền lửa để lớp trẻ biết yêu quý văn hóa cội nguồn từ việc mặc trang phục truyền thống đến những làn điệu dân ca, dân vũ.

Ông cũng cất công sưu tầm, giữ gìn, nâng niu các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thổ. Theo ông, mỗi nhạc cụ có một âm thanh riêng, nhưng khi nhịp trống, cồng, khèn, chiêng hòa quyện vào nhau đã tạo nên sự vui nhộn, hân hoan, vui mừng của đám vui; khí phách hào hùng của thành công thắng lợi, xua đi tĩnh lặng đêm đông giá lạnh của rừng sâu, núi thẳm được đồng bào dân tộc Thổ sử dụng trong các dịp đón năm mới, lễ hội, hiếu, hỷ cũng như trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mừng lúa mới, cơm mới...

Ông Trương Thanh Hải (thứ 2 bìa phải) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho điển hình tiêu biểu về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý thừa uỷ quyền trao tặng
Ông Trương Thanh Hải (thứ 2 bìa phải) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho điển hình tiêu biểu về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý thừa uỷ quyền trao tặng

Bộ nhạc cụ đồng bào dân tộc Thổ mà huyện Quỳ Hợp trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh trong tháng 3/2022 là do nghệ nhân Trương Thanh Hải sưu tầm trong nhiều năm. Khi chúng tôi hỏi hiến tặng như vậy có tiếc không? Nghệ nhân Trương Thanh Hải cười rõ tươi: Tôi không cảm thấy tiếc vì tôi biết rằng những nhạc cụ đó sẽ được giữ gìn cẩn thận và có điều kiện tốt lan tỏa cho nhiều người biết về bản sắc văn hóa dân tộc Thổ.

Từ những viên gạch đầu tiên do nghệ nhân Hải xây cất, xã Nghĩa Xuân đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn văn hóa dân tộc Thổ. Hiện tại, trên địa bàn xã có 3 câu lạc bộ dân ca dân tộc Thổ là Đột Vả, Mo Mới và xóm Mó được thành lập và đi vào hoạt động rất sôi nổi.

Chia tay, nghệ nhân Hải bộc bạch: Việc sưu tầm dân ca, lời cổ, hoạt động diễn xướng cồng chiêng, khắc luống, rồi tục cúng mo, cúng vía… theo ông trước hết là để làm vốn cho mình, tiếp đến là để lại một cái gì đó cho mai sau.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.