Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trọn tình với dân ca Thái

Nam Hương – Vũ Lợi - 15:28, 11/09/2020

Được nuôi dưỡng tâm hồn từ khi mới sinh ra bằng những làn điệu dân ca mộc mạc, trữ tình, nghệ nhân Lò Thị Phúc, bản Lọng Bon, xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên (Điện Biên) đã dành trọn tình yêu và tâm huyết của mình để sưu tầm, gìn giữ và sáng tác nhiều giai điệu dân ca mới. Ngày ngày bà vẫn ngân nga hát những giai điệu như gieo vào lòng người niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống…

Nghệ nhân Lò Thị Phúc (áo đỏ) - người miệt mài sưu tầm dân ca dân tộc Thái
Nghệ nhân Lò Thị Phúc (áo đỏ) - người miệt mài sưu tầm dân ca dân tộc Thái

“Đệ nhất dân ca xứ Mường Then”

Ở xứ Mường Then (Mường Thanh ngày nay), nhắc đến tên nghệ nhân Lò Thị Phúc, bà con người Thái đều bày tỏ sự ngưỡng mộ về giọng ca truyền cảm, đậm chất trữ tình của bà. Khi xưa, lúc mới 5 - 6 tuổi, cô bé Phúc đã lặng lẽ theo mẹ đi khắp các bản mường để tham gia hát trong những cuộc vui mừng đám cưới, mừng nhà mới hay những lễ hội quan trọng của dân tộc. Giọng ca trong trẻo của cô Phúc khiến cho nhiều chàng trai mê đắm. Họ kháo nhau và gọi cô là “Đệ nhất dân ca xứ Mường Then”.

Bây giờ ở tuổi 62, bà Phúc thuộc lòng nhiều làn điệu dân ca cổ, như: Bó lụ (dạy con), Ếu Mường Thanh (đi khắp Mường Thanh), Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu), Quắm tố mương (Kể chuyện bản mường)… Những làn điệu dân ca hát trong đời sống sinh hoạt hằng ngày như: Điệu yêu nhau, điệu cưới nhau, điệu răn dạy phận làm con, điệu ru con, điệu cầu mưa thuận gió hòa… Theo chia sẻ của bà Phúc, các làn điệu dân ca Thái đều mộc mạc, gần gũi như lời kể chuyện, tâm tình để răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải, sống trọn đạo hiếu và ca ngợi bản làng, quê hương, đất nước.

Chính những ca từ ý nghĩa ấy đã nhen nhóm tình yêu và gắn bó của nghệ nhân Phúc với dân ca dân tộc suốt mấy chục năm qua. Bà bộc bạch: “Tôi say mê, yêu thích dân ca, âm nhạc truyền thống từ lúc còn nhỏ. Lớn lên lại càng say hơn. Thời xưa ở Mường Then, trai gái gặp nhau thường hát đối đáp. Tôi và những người cùng trang lứa gặp nhau có khi hát giao lưu đối đáp cả ngày sang đêm không chán”.

Lật tìm dưới đáy tủ tập giấy A4 đã ngả màu được cất gói cẩn thận qua những lớp túi nylon, đó là “tài sản” vô giá mà bà Phúc nâng niu, trân trọng. Trong đó có cả trăm bài dân ca cổ do bà sưu tầm và sáng tác từ mấy chục năm qua. Những bài hát đó bà Phúc chép lại theo trí nhớ từ những người cao tuổi trong vùng hoặc qua truyền thông, báo, đài…

Ngoài ghi chép vào sổ tay, bà Phúc còn lưu giữ cẩn thận hàng chục bài hát khác vào những trang đánh máy. Đó là sản phẩm của những lần chồng bà kiên trì nắn nót từng chữ giúp vợ chép lại lời bài hát. Cứ thế, bà đọc, ông chép. Những khi bà sáng tác, ông cũng đều ngồi lại, cầm bút chờ ghi những câu ca mới cất ra từ miệng vợ. Thấy vậy, các con cũng xúm lại giúp bà mang bản thảo viết tay đi đánh máy, in ra giấy A4 để lưu giữ được tốt hơn. Từ sự ủng hộ và động viên lớn của những người thân trong gia đình đã giúp bà Phúc xây đắp thêm tình yêu, sự nỗ lực cống hiến và bảo tồn những làn điệu dân ca của dân tộc.

Giờ đây khi tuổi càng cao, trí nhớ đã giảm, không thể nhớ cặn kẽ những lời dân ca cổ nữa thì cuốn sổ và những trang giấy phần nào giúp bà Phúc yên tâm lưu giữ những giai điệu dân ca cho thế hệ sau. Ngân lên một vài bài hát “Đang dệt côn” (làm người), Chứ cồng ai (Nhớ ơn các anh), Nha dệt cài hịt khong chăn (Ðừng quên dân tộc của mình)… cho chúng tôi nghe, bà kể đó là nhưng giai điệu do bà mới sáng tác để gửi gắm những tâm sự, thể hiện tình cảm với các anh hùng liệt sĩ cùng lời nhắn nhủ cho thế hệ con cháu.

Ngân nga những giai điệu hy vọng…

Với giọng ca say đắm cùng sự am hiểu về dân ca dân tộc Thái, bà Lò Thị Phúc đã tham gia nhiều cuộc thi liên hoan tiếng hát dân ca của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng hay văn nghệ truyền thống, bà đều cố gắng tham gia bằng niềm đam mê và nhiệt huyết bản thân. Gần trọn cuộc đời gắn bó với những làn điệu dân ca, nghệ nhân Phúc nhớ nhất về kỷ niệm nhận Bằng khen của Tổng Giám đốc Ðài Truyền hình Việt Nam tại cuộc thi “Liên hoan tiếng hát dân ca” năm 2005 và Giấy khen tuyên dương của Viện Âm nhạc Việt Nam trong giữ gìn, bảo tồn âm nhạc dân gian Thái của tỉnh Ðiện Biên.

Tuy nhiên, theo nghệ nhân Phúc, dân ca Thái tuy ngọt ngào và ý nghĩa là vậy nhưng lớp trẻ bây giờ không mấy ai mặn mà muốn tìm hiểu và kiên trì luyện tập hát nữa. Đó cũng là nỗi niềm đau đáu bấy lâu của bà về tương lai những là điệu dân ca dân tộc. “Con cháu tôi và những người tôi từng dạy hát dân ca đều nhanh chóng bỏ cuộc. Người học lâu cũng chỉ được vài tuần. Họ đều bảo không nhớ nổi lời ca vì dài và nhiều từ khó. Ðối với âm nhạc truyền thống, phải tìm được ai thực sự tâm huyết, say mê mới có thể dành thời gian và công sức theo học”, bà Phúc trăn trở. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.