Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trưởng thôn tiêu biểu ở xứ Mường Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 16:58, 10/12/2023

Tính đến nay, đã hơn 10 năm ông được người dân bầu là Trưởng thôn, ông luôn trăn trở và cố gắng thực hiện nhiều việc làm có ý nghĩa với cộng đồng; đồng thời gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động ở địa phương để xứng đáng với niềm tin yêu của bà con và của cấp trên. Ông là Trương Công Hải, một người con của xứ Mường ở xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

“Đầu tàu” gương mẫu của thôn

Những bãi mía, bờ khoai xanh mướt, rừng keo ngút ngàn, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, đường giao thông kiên cố, phẳng lỳ, là điều dễ dàng nhận thấy khi đến với thôn Thái Long, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy. Theo nhiều hộ dân chia sẻ, thì thành quả này, ngoài sự đồng lòng, chung sức của bà con trong thôn, thì có vai trò đặc biệt luôn ở vị trí "đầu tàu" của Trưởng thôn  Trương Công Hải.

Ông Trương Công Hải là một người con của dân tộc Mường. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Cẩm Phú, luôn khát khao quê hương được đổi mới
Ông Trương Công Hải là một người con của dân tộc Mường. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Cẩm Phú, luôn khát khao quê hương được đổi mới

Ông Trương Công Hải, một người con của dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, song trước xu hướng ngày càng phát triển của quê hương, đất nước, ông rất hiểu cho dù có được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, nhưng cái nghèo, cái khó sẽ đeo bám gia đình và người dân nếu không có sự thay đổi từ chính nội lực, nội tại. Với đức tính giản dị, lối sống chuẩn mực và gương mẫu, hơn 10 năm nay, ông Hải đã được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. 

Ông Hải chia sẻ, thôn Thái Long có 317 hộ, 1.410 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm tỷ lệ hơn 60%. Với vai trò là Trưởng thôn, Người có uy tín, ông Hải luôn trăn trở, suy nghĩ phải giúp Nhân dân trong thôn có cuộc sống ấm no. Căn cứ vào tình hình thực tiễn và bám sát vào các nghị quyết của xã, của huyện, ông Hải cùng với Chi ủy, Ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể thôn Thái Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng như: chuyển đổi đất trồng lúa không chủ động nước tưới để trồng mía; đưa giống lúa mới vào gieo cấy; trồng các loại cây ăn quả; trồng cây gai xanh... 

Bên cạnh đó, ông Hải còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhiều hộ dân. Hàng năm, ông Hải tham gia giúp đỡ, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật chăn nuôi cho nhiều hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thôn.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thôn Thái Long gặp rất nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh... 

Trước tình hình ấy, ông Hải cùng với các tổ chức đoàn thể nỗ lực vận động Nhân dân góp công, góp của làm đường giao thông, nhà văn hóa. Với phương châm tuyên truyền “mưa dầm thấm sâu”, người dân trên địa bànThái Long đã nhận thức rõ, mình là chủ thể trong xây dựng NTM, tự nguyện góp ngày công lao động, đóng góp tiền mặt xây dựng đường giao thông.

Theo báo cáo của thôn Thái Long, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Nhân dân đóng gần 3.500 ngày công lao động và 3 tỷ đồng tiền mặt làm đường giao thông, nhà văn hóa. Hiện nay, 98% đường giao thông của thôn được bê tông; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét; thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm; 95% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 100% trẻ thuộc độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được đến trường học bán trú... Năm 2020, Thái Long đã đạt thôn NTM.

Nhà văn hóa thôn Thái Long, xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) được xây dựng khang trang, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa
Nhà văn hóa thôn Thái Long, xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) được xây dựng khang trang, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa

Chia sẻ về kinh nghiệm vận động Nhân dân cùng xây dựng nông thôn mới, ông Hải nói: “Được bà con tín nhiệm, nên tôi luôn xác định bản thân phải gương mẫu, tiên phong trong mọi hoạt động để tạo sự đoàn kết trong chi bộ, đồng thuận trong Nhân dân. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến công tác vận động quần chúng ở cơ sở, bằng cách lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để cách giải quyết thấu tình, đạt lý đối với các vấn đề nảy sinh ở khu dân cư”.

Với suy nghĩ muốn dân hiểu, dân tin, dân làm theo, trước hết bản thân phải gương mẫu đi đầu các phong trào ở địa phương nên ngay trong lĩnh vực phát triển kinh tế gia đình, ông Hải cũng đã nỗ lực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, từng bước phát triển kinh tế và trở thành hộ gia đình có thu nhập cao trong thôn.

Người làm kinh tế giỏi

Ồng  Hải chia sẻ, qua nhiều lần tìm hiểu trên sách báo và phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế để học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, năm 2015, ông đã quyết định phát triển mô hình trồng cây ăn quả, với diện tích 1.500 m2. Ngoài trồng cây ăn quả, ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn sinh sản

Nhờ tinh thần không ngại khó, ngại khổ, linh hoạt vận dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, cây trồng, vật nuôi của gia đình ông Hải sinh trưởng tốt và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình cây ăn quả của hộ gia đình ôg Trương Công Hải, Trưởng thôn Thái Long, xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy)
Mô hình cây ăn quả của hộ gia đình ông Trương Công Hải, Trưởng thôn Thái Long, xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy)

Trên đà thành công, ông Hải đã bàn bạc với vợ, vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả; đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô lớn; chăm sóc diện tích keo. Hiện 2 ha cây ăn quả đang sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ngoài ra, gia đình ông Hải còn nuôi 10 con lợn nái sinh sản, mỗi năm xuất chuồng 2,5 tấn lợn giống. Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Hải bình quân cho thu nhập 450 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế, ông Hải cũng làm gương là chú trọng tới việc dạy dỗ, học tập cho các con. Nhờ vậy, mà 3 người con của ông Hải đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Nhiều năm giữ cương vị là Trưởng thôn, nhiều lúc  ông muốn nghỉ để tạo cơ hội cho người khác trẻ hơn, ưu tú hơn mình, nhưng vì sự yêu mến, bà con tiếp tục tín nhiệm, vậy là ông Hải gắn bó với vị trí này đã một thập kỷ

Đánh giá về thôn Thái Long, ông Lê Danh Ba, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cẩm Phú bộc bạch: "Để thay đổi toàn diện, bền vững ở một vùng đất vẫn  còn nhiều khó khăn như Thái Long, thì còn phải thêm một quá trình lâu dài, nhưng hiện tại, cũng có thể nhận thấy đang có sự thay đổi tích cực trên mỗi nếp nhà của người dân trong thôn. Những đổi thay này, là nhờ các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của bà con trong thôn. Đặc biệt là không thể thiếu vai trò “đầu tàu” của Trưởng thôn, Người có uy tín như ông Trương Công Hải".

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.