Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Tủ "bánh mì 2k và đĩa cơm 5 nghìn" của những cán bộ phường

Lê Hường - 10:54, 01/06/2021

Hơn 5 năm qua, nhiều cán bộ UBND phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk làm bánh mì 2 ngàn đồng và đĩa cơm 5 nghìn đồng chia sẻ khó khăn với những người lao động nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, thì những việc làm trên càng thêm ấm lòng người nghèo.

Cán bộ tham gia tủ bánh mì thức dậy từ 3h sáng để làm bánh
Cán bộ phường tham gia tủ bánh mì thức dậy từ 3h sáng để làm bánh

Tủ bánh mì 2 nghìn đồng

Ba giờ sáng, cán bộ UBND phường Thống Nhất và các Bí thư chi bộ, Tổ trưởng,... các tổ dân phố đã có mặt tại trụ sở UBND phường, để chuẩn bị nguyên liệu thịt, chả, trứng, rau làm bánh mì bán cho người lao động nghèo. Gọi là bán, nhưng thực chất là tặng, bởi giá một chiếc bánh mì thịt, chả, trứng ở đây chỉ bằng 1/6 của chiếc bánh mì bình dân tại các quầy bánh mì.

Cầm chiếc bánh mì trên tay, bà Nguyễn Thị Thành (71 tuổi), một người già neo đơn sống tại phường Thống Nhất chia sẻ, bà có người con khuyết tật đang được Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc. Còn bà già yếu không làm gì ra tiền trang đảm bảo cuộc sống, nhà cũng không có phải ở nhờ nhà em gái. 

"Tuần 2 lần tôi ra phường mua bánh mì 2 nghìn ăn sáng, tôi thấy biết ơn những cán bộ phường, tổ dân phố. Đây không đơn giản họ san sẻ đĩa cơm, chiếc bánh mì mà họ chia sẻ tình yêu thương, động viên chúng tôi trong cuộc sống", bà Thành xúc động nói.

Tham gia tủ bánh mì bán cho người nghèo từ những ngày mới bắt đầu, ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố 7, phương Thống Nhất chia sẻ: Thời gian đầu khi mới triển khai tủ bánh mì, cũng gặp nhiều khó khăn vì kinh phí do cán bộ phường tự góp nên hạn hẹp, cán bộ phường người mang nồi, người mang chảo đến để có dụng cụ làm. Sau này một số nhà hảo tâm hỗ trợ nên cũng đỡ vất vả hơn. 

"Chúng tôi làm với tinh thần ai rảnh thì đến giúp, cùng chung tay làm bánh để kịp bán cho người nghèo. Từ Chủ tịch UBND, HĐND, Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ rồi đoàn viên thanh niên đến cán bộ tổ dân phố. Tất cả chúng tôi ủng hộ tủ bánh vì thấy việc làm ý nghĩa, lãnh đạo, cán bộ phường quan tâm người nghèo, tâm huyết, nhiệt tình với dân", ông Minh cho biết.

Một tuần tủ bánh mì bán 2 buổi sáng thứ 3, thứ 5; khi thì 6 - 7 người làm, khi cả chục người phụ giúp; mỗi buổi bán hàng đều đưa đến người nghèo 300 chiếc bánh. Trước khi xây dựng tủ bánh mì 2 nghìn đồng, năm 2015, cán bộ phường Thống nhất còn thực hiện đĩa cơm 5k vào trưa thứ 7 hàng tuần với 250 suất cơm. Ngoài những thực khách đến tận nơi để ăn cơm, cán bộ phường còn dành 60 suất cơm/tuần để trao tận nhà cho một số người mù, người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Sẻ chia với người nghèo

Được biết, xuất phát từ mong muốn chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo, và tạo sự găn kết gần gũi giữa dân với cán bộ hành chính, tủ bánh mì 2 nghìn đồng được cán bộ phường Thống Nhất và các Bí thư, Tổ trưởng, bảo vệ dân phố triển khai năm 2016; một tuần hai buổi sáng, mỗi buổi 300 chiếc bánh.

Người già neo đơn, lao động nghèo mua bánh từ mờ sáng
Người già neo đơn, lao động nghèo mua bánh từ mờ sáng

Để không ảnh hưởng đến công việc của công chức trong giờ hành chính, những người tham gia tủ bánh mì thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị. Hơn nữa, buổi sáng sớm người lao động nghèo, bán vé số, xe ôm, lao động … đều đã đi làm. 

“Hôm nào chuẩn bị bán bánh mì thì anh em nhắn nhau, tranh thủ ngủ sớm hơn để không ảnh hưởng tới sức khỏe và duy trì ổn định số lượng người làm. Chúng tôi cũng thấy vui, ý nghĩa khi đã góp một phần nhỏ nhoi để làm cho xã hội tốt lên”, bà Phạm Thị Hoàng Trang, Chủ tịch HĐND phường Thống Nhất chia sẻ.

Bà Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết: Bánh 2 nghìn, đĩa cơm 5 nghìn đều là một hình thức bán tượng trưng, hướng đến mục đích chính là hỗ trợ lao động nghèo. Để người nghèo cảm thấy thoải mái, không còn cảm giác mặc cảm, ngần ngại khi đến tủ bánh mì 2 nghìn, đĩa cơm 5 nghìn mua, chúng tôi tôn trọng coi người đến mua là khách hàng thật sự.

“Đây là chương trình thiện nguyện, chia ngọt, sẻ bùi với người khó khăn được lãnh đạo phường, hội, đoàn thể và cán bộ phường, tổ dân phố hưởng ứng. Chúng tôi mong rằng, chương trình sẽ lan tỏa rộng hơn để nhiều người nghèo ở những địa phương khác cũng được quan tâm, san sẻ”, bà Trịnh Như Ngọc chia sẻ.


Tin cùng chuyên mục
Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

“Mệ chỉ mong khỏe mạnh để tiếp tục se hương bán cho khách, nối tiếp nghề cha ông; ngày ngày gặp gỡ nói chuyện với bọn trẻ, cuối tháng dư ra năm mười triệu đem vô viện tặng mấy cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo!”... Đó là tâm sự của mệ Tuyết, một người phụ nữ khắc khổ, nhưng giàu lòng nhân ái mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên hành trình tìm kiếm những sự tử tế trong cuộc sống bon chen.