Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Từ món ăn dân dã trở thành sản phẩm OCOP

T.Tùng-T.Dung - 17:06, 18/04/2022

Cuộc sống đồng bào Tây Nguyên bao đời nay gắn liền với không gian núi rừng. Vì vậy, văn hóa ẩm thực Tây Nguyên cũng mang hương sắc núi rừng vô cùng độc đáo. Từ những nguyên liệu đơn giản, họ đã chế biến thành những món ăn dân dã, đặc sắc. Món cải khô muối lồ ô của đồng bào Giẻ Triêng ở thôn Nông Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là một trong nhiều sản phẩm của đồng bào Tây Nguyên được ra đời như thế.


Rau cải sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, phơi trong lồng kín để đảm bảo vệ sinh
Rau cải sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, phơi trong lồng kín để đảm bảo vệ sinh

Từ món ăn truyền thống

Là một trong những người có tay nghề cao trong lĩnh vực chế biến cải khô, Chị Y Tuân, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Y Tuân cho biết: Cải khô muối ống lồ ô là món ăn truyền thống của cha ông bao đời nay. Món ăn này gắn bó với người dân trong những bữa cơm thường ngày và cũng là món ăn đặc sắc luôn có mặt trong những lễ hội của làng. Từ ngày còn nhỏ, mình đã được cha mẹ dạy cho cách làm cải khô muối trong ống lồ ô, rồi từ món cải khô sẽ chế biến kết hợp cùng với các thực phẩm khác như cá hoặc thịt để tạo nên những món ăn mang hương vị đặc sắc khác nhau.

Theo lời chị Y Tuân, để có được nắm cải khô muối ngon đúng vị, đảm bảo về màu sắc  phải tỉ mỉ trong từng công đoạn chế biến. Bởi không phải người Giẻ Triêng nào cũng có thể tự tay làm được món cải khô muối lồ ô. Để có được một mẻ cải muối ngon đúng điệu thì phải trải qua nhiều lần thực hành mới có kinh nghiệm.

Sau khi phơi, cải sẽ được nhồi vào ống lồ ô để ủ
Sau khi phơi, cải sẽ được nhồi vào ống lồ ô để ủ

“Để có một mẻ cải khô muối ống lồ ô đúng vị, người thợ phải trải qua 4 công đoạn quan trọng. Từ việc trồng và chọn những lá cải cay (cải bẹ xanh), qua công đoạn rửa sạch sẽ đem phơi một nắng. Sau ngày đầu phơi, cải sẽ tiếp tục được phơi trong nhà kín hơn một ngày. Tiếp theo, cải đã phơi được bỏ vào trong ống tre 2 ngày, lồ ô sẽ tiết ra chất để làm chín cải, sau đó ống lồ ô sẽ được chẻ đôi, đồng bào Giẻ Triêng mang từng lọn cải còn ngai ngái mùi cỏ cây, chua chua mùi men, thái thành sợi nhỏ để rồi phơi ngoài nắng suốt mấy ngày cho đến khi cải khô rục”, chị Y Tuân cho biết thêm.

Đến sản phẩm OCOP 3 sao

Nhận thấy những vị ngon từ món cải muối khô các thành viên trong HTX Y Tuân đã đầu tư công sức, thời gian để đưa sản phẩm địa phương trở thành sản phẩm OCOP với mong muốn lan tỏa ẩm thực đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Mặc dù mới thành lập vào tháng 7/2021 với 5 thành viên, nhưng cùng với sự nỗ lực và sự động viên của các cấp, chính quyền địa phương, món cải khô muối lồ ô của của HTX Y Tuân đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào tháng 1/2022.

Để đảm bảo các công đoạn cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX Y Tuân đã thiết kế mô hình phơi cải ngoài trời trong lồng màn để tránh sự tác động của côn trùng. Trong nhà kín, HTX xây dựng các khu kệ gác ống lồ ô, để nia tre hay khu vực bồn rửa… đều đảm bảo vệ sinh. Các nguyên liệu chế biến đều là những sản phẩm sạch, được thu mua trực tiếp tại địa phương. Sau khi chế biến xong, khâu đóng gói cho sản phẩm cải khô muối cũng được đầu tư kỹ lưỡng, mẫu mã đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc được dán trên bao bì.

Từ món ăn địa phương, cải khô muối lồ ô đã vươn lên trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương và được chứng nhận là OCOP 3 sao cấp tỉnh
Từ món ăn dân dã, cải khô muối lồ ô đã trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương và được chứng nhận là OCOP 3 sao cấp tỉnh

Khi sản phẩm địa phương vươn xa ra thị trường, các thành viên trong HTX và các chị em trên địa bàn cũng có thêm thu nhập từ việc trồng cải sạch. Chị Y Tuân cho biết: Để có 1 kí (kg) cải muối khô phải cần 28 kí cải tươi. Trung bình mỗi tháng một thành viên trong HTX bán ra hơn 1 tạ cải tươi, thu về hơn 2 triệu đồng. Hiện nay, một kí cải khô có giá bán là 800.000 đồng. Với giá bán này chị em trên địa bàn cũng có thêm thu nhập, nâng cao mức sống cho gia đình. Thời gian tới, mong rằng món cải khô muối ống lồ ô của HTX Y Tuân sẽ được nhiều người biết đến. Để đông đảo bà con được thưởng thức hương vị ngon, lạ, mang đậm nét văn hoá ẩm thực của dân tộc Giẻ Triêng.

Ông Xiêng Thanh Thiên, Bí thư Đảng uỷ xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho hay: Nhận thấy sự đặc sắc trong ẩm thực từ món cải khô muối lồ ô, chính quyền địa phương đã động viên người dân phát triển món ăn này thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài công tác vận động, tuyên truyền xã cũng đã quan tâm sâu sát từng công đoạn, tạo mọi điều kiện hỗ trợ để HTX Y Tuân phát triển thành sản phẩm OCOP, từ đó đưa bản sắc văn hóa, ẩm thực dân tộc trên địa bàn đến với đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Hội thi quốc tế về những món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông

Hội thi quốc tế về những món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, 21 đội đã mang đến Hội thi ẩm thực quốc tế và Xác lập kỷ lục Việt Nam về các món ăn độc đáo, mang hương vị riêng được chế biến từ sâm dây của núi rừng Ngọc Linh. Các hoạt động, sự kiện diễn ra tại Hội thi mang ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng tầm giá trị cây sâm dây, hướng đến sinh kế bền vững cho đồng bào Xơ Đăng từ việc phát triển diện tích cây sâm dây, loại dược liệu đặc trưng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).