Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Từ sự thiếu hụt thịt lợn, nói về hàng dự trữ quốc gia

Sỹ Hào - 09:41, 02/01/2020

Hàng dự trữ quốc gia là nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hiện danh mục hàng dự trữ vẫn chưa dự phòng được những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cần phải được dự trữ trong tình huồng cấp bách.

Thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chiếm khoảng 70% trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm của người dân Việt Nam.
Thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chiếm khoảng 70% trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm của người dân Việt Nam

Thiếu hụt thịt lợn

Năm 2019, ngành chăn nuôi bị chao đảo bởi dịch tả lợn châu Phi. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 8.532 xã, thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố khiến trên 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng đàn lợn cả nước.

Do ảnh hưởng của dịch, sản lượng thịt lợn trong năm 2019 chỉ đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018. Do đó, Việt Nam từ nước sản xuất lợn thứ 5 thế giới phải nhập khẩu 96 nghìn tấn thịt lợn, trị giá hơn 108 triệu USD trong năm 2019. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu thịt lợn vẫn chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, trong bối cảnh giá thịt lợn tăng “phi mã”.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60 - 80% so với tháng 9 và tăng 60 - 95% so với đầu năm 2019). Tại thời điểm cuối tháng 12/2019, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160 - 180 nghìn đồng/kg, tăng 15 - 20 nghìn đồng/kg so với đầu tháng.

Giá thịt lợn tăng “phi mã” nhưng dự báo sẽ không đủ nguồn cung trong nước để đáp ứng nhu cầu cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước ngày 26/12/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.

Chưa phải là hàng dự trữ

Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), việc thiếu hụt mặt hàng thịt lợn diễn ra ngay trước Tết Nguyên đán cũng không đáng lo ngại. Bởi tổng nguồn thực phẩm các loại khác như thịt bò, thịt gà, cá… năm nay tăng khoảng 723.000 tấn, góp phần bù đắp một phần thịt lợn thiếu hụt.

Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm. Do đó, việc thiếu hụt mặt hàng thiết yếu này đang đặt ra vấn đề có nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Trả lời câu hỏi này tại cuộc họp báo sáng ngày 26/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời cho biết, theo quy định tại Luật Dự trữ quốc gia năm 2012 thì trong nhóm hàng lương thực hiện nay mới chỉ có mặt hàng thiết yếu là gạo, chưa có thịt lợn. Nguyên nhân chưa đưa thịt lợn vào nhóm hàng dự trữ là do điều kiện ngân sách còn hạn chế.

“Không riêng gì thịt lợn mà nhiều mặt hàng đã và đang được cân nhắc, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của dự trữ quốc gia”, ông Thời cho biết.

Theo ông Thời, hiện Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành để rà soát danh mục hàng dự trự quốc gia. Những mặt hàng nào cần thiết sẽ đưa vào, những mặt hàng nào chưa cần thiết, chưa thiết yếu trong điều kiện ngân sách còn khó khăn thì chưa đưa vào và những gì lạc hậu thì đưa ra.