Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Tuy Đức (Đăk Nông): Vận dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo đà cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo

Minh Thu - 06:47, 23/12/2023

Huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là nơi sinh sống của 23 dân tộc anh em. Thời gian qua, nhờ các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), các cấp chính quyền địa phương đã huy động tốt các nguồn lực để nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS.

Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả đã giúp đồng bào DTTS có thu nhập ổn định.
Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả đã giúp đồng bào DTTS có thu nhập ổn định.

Một trong những chính sách của huyện Tuy Đức giúp đồng bào DTTS yên tâm định canh, định cư phát triển kinh tế tại quê nhà đó là việc cấp đất ở, đất sản xuất.

Thông qua các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS trên địa bàn, gia đình ông Điểu Mpưm, xã Đắk Búk So đã được hỗ trợ gần 1,2ha đất cho sản xuất. Trước đây gia đình ông Mpưm có nhiều nhân khẩu nhưng đất sản xuất lại không có nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Nay được hỗ trợ 1,2ha đất gia đình ông đã trồng 600 cây cà phê cùng 200 trụ tiêu. Nhờ được địa phương quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt, gia đình ông đã canh tác hiệu quả vườn cà phê, tiêu. Những vụ gần đây, vựa cà phê và tiêu của gia đình ông Mpưm đều đạt năng suất tốt, đem đến thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Cũng thuộc diện được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất của xã Đắk Búk So, gia đình ông Điểu Hùng là hộ nghèo nhiều năm nay chuẩn bị được sống trong ngôi nhà mới khang trang, chắc chắn.

“Có nhà mới khang trang, cuộc sống ổn định, bây giờ, gia đình tôi chỉ cần chịu khó làm ăn thì sẽ sớm thoát nghèo thôi”, ông Điểu Hùng bộc bạch.

Trong năm 2023, huyện Tuy Đức cũng đã triển khai sửa chữa và nâng cấp công trình nước sạch bon Bu Prăng 1 để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho bà con DTTS trong khu vực. Việc hỗ trợ kịp thời đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt… cho người dân không chỉ hạn chế tình trạng du canh, du cư mà còn giúp người dân có điều kiện sản xuất tốt hơn trên chính địa phương sinh sống.

Vùng sản xuất rau xanh quy mô lớn ở huyện Tuy Đức. Ảnh baodaknong
Vùng sản xuất rau xanh quy mô lớn ở huyện Tuy Đức. Ảnh baodaknong

Huyện Tuy Đức có 6 xã với 34 bon, 33 thôn và 6 bản, tuy nhiên trong đó có tới 5 xã, 50 thôn, bon, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều năm trước, gia đình ông K'Hùng, xã Đắk Búk So tuy không thiếu đất, nhưng việc trồng cà phê lại không mang đến nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống vẫn khó khăn. Nhờ được chính quyền các cấp, các ngành hỗ trợ, gia đình ông K’Hùng đã tháo gỡ được “nút thắt” khiến kinh tế bao nhiêu năm nay bấp bênh. Ông được hỗ trợ 300 cây giống cà phê cùng phân bón cũng như được cán bộ nông, lâm chỉ dẫn tận tình cách chăm sóc, thu hoạch sao cho hiệu quả. Nay vườn cà phê của ông phát triển tốt và cho năng suất đồng đều. Cùng với việc nuôi thêm bò, gia đình ông đã có thu nhập ổn định, cuộc sống tốt lên từng ngày.

Còn gia đình chị Thị Duyên cùng xã Đắk Búk So cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế. Sau thời gian chăm sóc hiệu quả, chị Duyên đã có nguồn vốn để đầu tư thêm trang trại cà phê rộng 1ha, mở rộng sản xuất tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Không chỉ hỗ trợ giống, những lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt do địa phương tổ chức đã giúp bà con áp dụng vào thực tiễn hiệu quả. Như việc trồng cà phê trước đây thường theo phương thức chăm sóc cũ thì nay được áp dụng các kiến thức mới năng suất có thể đạt tới 10 tấn cà phê nhân/2ha.

Nhờ các lớp tập huấn trồng trọt do địa phương tổ chức, vựa cà phê của nhiều hộ gia đình đã cho năng suất hiệu quả hơn. Ảnh baodaknong
Nhờ các lớp tập huấn trồng trọt do địa phương tổ chức, vườn cà phê của nhiều hộ gia đình đã cho năng suất hiệu quả hơn. Ảnh baodaknong

Nhờ đẩy mạnh các mô hình sản xuất, đến nay, trên địa bàn huyện Tuy Đức hiện có 12 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó có 2 trang trại chăn nuôi bò, 4 trang trại chăn nuôi gia cầm và 6 trang trại chăn nuôi heo.

Huyện Tuy Đức đang thực hiện công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS bằng việc hỗ trợ từng bon nghèo, hộ nghèo cụ thể. Năm 2023, thực hiện Chương trình MTQG 1719 với các tiểu dự án, huyện Tuy Đức đang triển khai thực hiện mở mới 11 công trình trong đó có 1 công trình thủy lợi, 3 công trình giáo dục, 7 công trình giao thông cùng các công trình đang triển khai thực hiện năm 2022. Hiện nay, huyện Tuy Đức đang triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn cho 8/11 công trình, đồng thời lập, trình thẩm định và phê duyệt, giao kế hoạch vốn chi tiết cho 3/11 công trình.

Huyện Tuy Đức cũng đã trao tặng cho 143 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã Quảng Tâm, Quảng Trực và Đắk Búk So gia súc giống (35 con trâu và 108 con bò giống). Tất cả gia súc đều được tiêm phòng đầy đủ và đảm bảo sinh trưởng tốt. Tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng được thực hiện từ nguồn vốn Chương trình MTGQ 1719. Người dân sẽ được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng chuồng trại, chăn nuôi, chăm sóc, chế biến thức ăn, phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại… Đồng thời còn được tham quan để học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả trên địa bàn.




Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.