Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Lê Thị Đức Hạnh phát biểu tại buổi làm việc với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang.Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 19/7/2025, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 10.425 tỷ đồng, tăng 421 tỷ đồng so với cuối năm 2024, đạt mức tăng trưởng 4,2%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chiếm phần lớn với 9.963,9 tỷ đồng, tương đương 95,58% tổng nguồn, tăng 354 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 792,3 tỷ đồng, chiếm 7,6%, tăng 21 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 461,2 tỷ đồng, tăng 67,5 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch Trung ương giao trong năm 2025.
Chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được duy trì ổn định. Tổng dư nợ xấu chỉ ở mức 20,3 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu thấp là kết quả của quá trình kiểm soát tốt khâu thẩm định, giải ngân và phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền cơ sở trong việc theo dõi, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã cùng lãnh đạo chi nhánh phân tích, đánh giá một số tồn tại, khó khăn trong tổ chức triển khai nhiệm vụ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh vừa thực hiện sáp nhập Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang (cũ) vào Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang. Đây là sự kiện quan trọng, ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy và địa bàn hoạt động của chi nhánh, đòi hỏi sự chủ động trong điều phối, phân công nhiệm vụ và ổn định tâm lý cán bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Lê Thị Đức Hạnh đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của Chi nhánh tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình sáp nhập được thực hiện bài bản, khoa học, không để xảy ra gián đoạn trong hoạt động cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng chí nhấn mạnh, đây là mô hình cần được nhân rộng trong hệ thống NHCSXH khi thực hiện các điều chỉnh tổ chức trong thời gian tới.
Đoàn công tác NHCSXH Việt Nam kiểm tra hoạt động tín dụng tại phiên giao dịch Lực Hành của Phòng Giao dịch NHCSXH Yên Sơn (Tuyên Quang).Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Lê Thị Đức Hạnh đề nghị Chi nhánh tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là xử lý hiệu quả nợ quá hạn, nợ khoanh. Cùng với đó, cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể và các đơn vị liên quan nhằm đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả vốn vay trong phát triển kinh tế hộ và giảm nghèo bền vững.
Trước buổi làm việc tại tỉnh, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại điểm giao dịch xã Lực Hành thuộc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Sơn và làm việc với lãnh đạo xã về tình hình triển khai hoạt động tín dụng chính sách sau sáp nhập. Qua kiểm tra, đoàn đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ Phòng Giao dịch và xã Lực Hành trong việc bám sát chỉ đạo của NHCSXH Trung ương và Chi nhánh tỉnh, triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, nhất là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Việc sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các nguồn vốn đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống người dân trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2025, khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn chính sách hiệu quả của Nhà nước đến với người dân.