Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng KHCN trong phòng, chống dịch bệnh: Xây dựng mạng lưới theo dõi tại cơ sở

Hoàng Quý - 22:11, 22/03/2020

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã áp dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó góp phần rất lớn vào công tác ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, nâng cao nhận thức của người dân.

Người dân đang tìm hiểu về dịch bệnh trên internet
Người dân đang tìm hiểu về dịch bệnh trên internet

Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào sử dụng hai ứng dụng khai báo y tế nhằm chủ động cho công tác phòng dịch. Theo đó, các ứng dụng này gồm “NCOVI” dành cho công dân Việt Nam và “Vietnam Health declaration” dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Ngay khi ra mắt, hai ứng dụng này đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ dư luận vì tính phổ biến và tiện lợi của chúng.

Theo đó, hai ứng dụng này được tạo ra để người dân chủ động trong việc khai báo sức khỏe với cơ quan y tế. Dựa trên dữ liệu mà ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế Việt Nam sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Không chỉ để khai báo y tế, đây còn là công cụ kết nối hai chiều giữa cơ quan y tế và người dân. Bên cạnh đó, các thông tin, chỉ dẫn chính thức của Nhà nước liên quan đến dịch bệnh được cập nhập liên tục, giúp người dân nắm rõ mọi tình hình.

Chị Lại Thanh Hoài ở Lào Cai cho biết, chị đã tải ứng dụng NCOVI về điện thoại của mình và đăng ký khai báo các thông tin theo yêu cầu. Chị Hoài nhận xét, đây là việc làm rất ý nghĩa và kịp thời, nhằm bảo vệ sức khỏe toàn dân. Không chỉ vậy, chị đã hướng dẫn các chị em trong Hội Phụ nữ tải ứng dụng về và khai báo thông tin để cơ quan chức năng theo dõi, hỗ trợ kịp thời...

Cùng với đó, Bộ Y tế đã thành lập các Hội đồng chuyên môn liên quan để tư vấn hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ trực tuyến từ xa cho các cơ sở khám, chữa bệnh về công tác thu dung, chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Covid-19. Theo đó, trong trường hợp bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh có điều trị người bệnh Covid-19, Trung tâm điều hành sẽ thiết lập điểm cầu để đảm bảo việc giám sát, hỗ trợ từ xa về chuyên môn chẩn đoán điều trị người bệnh Covid-19 tại chỗ. Từ công nghệ truyền hình hội nghị, bệnh án điện tử tập trung, kết nối với máy monitoring bệnh nhân, hệ thống PACS cloud để hội chẩn kết quả chẩn đoán hình ảnh...., các chuyên gia, các nhà quản lý có thể tư vấn và chỉ đạo cho tuyến dưới một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.

Ngoài thành công bước đầu từ những ứng dụng trên, các cơ quan chức năng đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Tiêu biểu phải kể đến việc nghiên cứu thành công và ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2) phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bộ kit xét nghiệm của Việt Nam không chỉ cho kết quả chính xác tin cậy, mà công suất cũng như giá thành đều vượt trội hơn so với các sản phẩm khác trên thế giới.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 cho biết, để nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế sẽ tận dụng tất cả ưu điểm của các giải pháp y tế số 4.0 trong công tác đẩy lùi dịch trên toàn quốc như tích hợp công nghệ truyền hình hội nghị (teleconferencing), bệnh án điện tử tập trung, kết nối với máy monitoring bệnh nhân, hệ thống PACS cloud để hội chẩn kết quả chẩn đoán hình ảnh…

Biến nguy thành cơ, đó cũng là quan điểm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng, Nhà nước ta. Việc ứng dụng phần mềm khai báo y tế sẽ mở ra nhiều hướng đi, triển vọng mới trong việc ứng dụng khoa học tiên tiến vào công tác khám, chữa bệnh toàn dân. Với những thông tin y tế do người dân cung cấp, từ đó ngành Y tế có thể theo dõi sức khỏe toàn dân sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Tin cùng chuyên mục
Chuyển đổi số ở các bản làng vùng DTTS Quảng Ninh

Chuyển đổi số ở các bản làng vùng DTTS Quảng Ninh

Đến nay không chỉ ở thành thị, mà người dân ở các thôn, bản vùng cao, vùng DTTS tỉnh Quảng Ninh cũng đã nắm bắt thời cơ, bắt nhịp chuyển đổi số để trở thành những "công dân số". Nhờ đó, người dân tiếp cận các chính sách dân tộc nhanh chóng; đồng thời ứng dụng hiệu quả trong đời sống xã hội và trong lao động, sản xuất