Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vân Canh (Bình Định): Gia tăng tình trạng tảo hôn

Lê Phương - 22:19, 14/07/2023

Thời gian gần đây, tình trạng tảo hôn ở Vân Canh (Bình Định) có chiều hướng gia tăng. Phải chăng do cách tuyên truyền chưa hiệu quả hay còn nguyên nhân nào khác?.

Phòng Dân tộc huyện Vân Canh kết hợp với Người có uy tín để tuyên truyền phòng, chống tảo hôn.
Phòng Dân tộc huyện Vân Canh kết hợp với Người có uy tín để tuyên truyền phòng, chống tảo hôn

Câu chuyện buồn

Chúng tôi theo chân cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, đến gặp một cặp tảo hôn mới làm đám cưới cách đây chưa lâu là Đ.T.U.L. (dân tộc Ba Na, SN 2007, ở thị trấn Vân Canh) và Đ.V.N (dân tộc Chăm, SN 2002, ở xã Canh Hòa).

Theo lời kể của L., em bỏ học từ năm lớp 8, ở nhà phụ giúp công việc gia đình, chăm sóc em. Tình cờ em quen bạn trai qua mạng xã hội, chỉ một thời gian ngắn tìm hiểu, chúng em quyết định đi đến hôn nhân. Người chồng của L. khi đó cũng chỉ mới 20 tuổi, đang làm công nhân may tại TP. Hồ Chí Minh, còn L. vẫn là trẻ vị thành niên, chưa thể tự lo cho cuộc sống, còn phụ thuộc vào cha mẹ.

Tâm sự với chúng tôi, L. cho hay: Từ ngày lấy chồng đến giờ, em chỉ quanh quẩn ở nhà, cha mẹ hai bên kêu gì thì làm nấy. Em không biết tương lai sẽ như thế nào? Em muốn xin đi làm công nhân nhưng chưa đủ tuổi không ai nhận. “Em rất buồn và cảm thấy hối hận khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân từ quá sớm”, L. bộc bạch.

Ông M.V.L. (cha em L.) chia sẻ: Khi nghe con bỏ học và đòi lấy chồng sớm, gia đình đã phản đối quyết liệt, nhưng đôi trẻ vẫn khăng khăng và tìm đủ mọi cách để lấy nhau; gia đình đành bất lực và chiều ý cho làm đám cưới. Gia đình tôi đang động viên con cố gắng vượt qua mặc cảm, tự ti để tiếp tục đến trường đi học tiếp, có tương lai tốt hơn nhưng L. vẫn chưa đồng ý.

Nhìn ánh mắt rưng rưng của L., chúng tôi không khỏi xót xa. Trường hợp của L. chỉ một điển hình, minh chứng cho hệ lụy của việc tảo hôn. Trên thực tế, mỗi năm trên địa bàn huyện Vân Canh có đến hàng chục trường hợp như vậy và hầu như tất cả đều phải đối mặt với một tương lai mịt mờ.

Các cấp ngành đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở huyện Vân Canh nhưng hiệu quả chưa cao.
Các cấp ngành đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở huyện Vân Canh nhưng hiệu quả chưa cao.

Vì sao tảo hôn tăng và trách nhiệm thuộc về ai?

Theo số liệu thống kê từ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 19 trường hợp tảo hôn; chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã có 11 trường hợp tảo hôn.

Một cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh cho biết, những trường hợp tảo hôn thường tổ chức đám cưới xong, người dân cung cấp thông tin thì cán bộ mới biết. Có trường hợp đang tổ chức đám cưới, chính quyền, cán bộ Phòng Dân tộc và Người có uy tín đến tuyên truyền, vận động, họ dừng dám cưới nhưng vẫn về ở với nhau. Có những trường hợp tảo hôn bị phát hiện, khi cán bộ đến vận động dừng thì đôi trẻ đòi tự tử, cha mẹ không những không can ngăn mà còn ủng hộ con nên rất khó khăn trong việc ngăn chặn.

Năm 2022, xã Canh Hòa là địa phương dẫn đầu huyện về tảo hôn với 7 trường hợp. Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa cho biết: Các trường hợp tảo hôn đều tập trung ở vùng đồng bào dân tộc Chăm làng Canh Thành. Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng các trường hợp này đều bỏ học sớm, chưa có sự quan tâm của gia đình, các em tự do làm mọi việc mình thích nên thường yêu sớm, làm mẹ sớm dẫn đến tảo hôn.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh Sô Lan Tài chia sẻ: Ngoài những nguyên như, nhận thức chưa đầy đủ về kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của các cặp tảo hôn cũng như trách nhiệm của gia đình... thì tình trạng tảo hôn tăng cao tại địa phương còn có một phần trách nhiệm của địa phương. Đó là, việc xử lý chưa thực sự nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm nên nhiều gia đình vẫn cho các con về ở với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Vì vậy, muốn thay đổi nhận thức nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS là cả một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. “Nhà nước cũng cần xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng. Bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền sở tại vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm, thậm chí có trường hợp “bao che” vì có họ hàng, bà con... tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân”, ông Tài kiến nghị.