Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Vân Đồn (Quảng Ninh): Nhiều hộ dân “ở không được, đi cũng không xong”

Mỹ Dung - 06:31, 26/04/2024

Theo phản ánh của người dân, hàng chục hộ ở 2 thôn 10/10, xã Vạn Yên và Đồng Dọng cũ, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chật vật gần 20 năm nay do dự án hồ chứa nước Đồng Dọng "án binh bất động". Tại đây, không ít hộ dù chưa được đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cũng bị giải tỏa, mất kế sinh nhai.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển cùng người dân vượt qua cánh rừng keo bạt ngàn đã quá lứa thu hoạch, vào điểm dân cư thuộc thôn 10/10
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển cùng người dân vượt qua cánh rừng keo bạt ngàn đã quá lứa thu hoạch, vào điểm dân cư thuộc thôn 10/10

“Ở không được, đi cũng không xong”

Chị Lê Thị Bảy, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn 10/10 cho biết, thôn có 75 hộ dân, với 5 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Dao, Sán Dìu, Tày, Thái). Ngay từ năm 2007, khi dự án hồ chứa nước Đồng Dọng rục rịch triển khai, tưởng rằng người dân sớm được đền bù chuyển đi nơi khác sinh sống. Nào ngờ, gần 20 năm trôi qua, dự án vẫn "nằm trên giấy”. Nhiều hộ dân cũng chưa được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

“Dân ở không được, đi cũng không xong! Ở thì phải phát triển kinh tế  nhưng đã có quyết định kiểm đếm, thu hồi thì sao trồng được nữa. Trồng 5,10 năm mới thu hoạch được thì ai dám đầu tư nữa. Nhiều nhà cũng chưa được đến bù, thì lấy tiền đâu mà chuyển đi chỗ khác”, chị Bảy trăn trở.

Theo chân chị Bảy, chúng tôi qua băng qua những cánh đồng hoang ở thôn Đồng Dọng, vượt qua cánh rừng keo bạt ngàn đã quá lứa thu hoạch, vào điểm dân cư thuộc thôn 10/10 nằm giữa một thung lũng lớn.

Anh Toàn bên ngôi nhà bị bỏ hoang của gia đình mình
Anh Toàn bên ngôi nhà bị bỏ hoang của gia đình mình

Anh Lý Văn Toàn, dân tộc Dao, một người dân tại thôn cho biết, không hiểu vì lý do gì, gia đình anh lại không được bố trí tái định cư, vì thế gia đình không đồng ý. Hậu quả là đã bị bỏ lại…

"Bình thường mỗi năm gia đình cấy được 2 vụ lúa, mỗi vụ cho thu hoạch từ 2,5-3 tạ/sào. Đất lâm nghiệp cũng tốt, vì thế cây lấy gỗ rất nhanh được thu hoạch. Vậy mà giờ đây, tất cả đã trở thành quá khứ. Cả 3 mẹ con tôi phải sơ tán khắp nơi, ruộng vườn bỏ hoang, nhà cửa thì đổ sập. Cũng vì cuộc sống khó khăn, vợ tôi đã bỏ đi, để lại cho tôi 2 đứa con nhỏ...".

Còn chị Nguyễn Thị Thúy, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 10/10  kể, nhà chị Thúy có hơn 40ha keo được trồng những năm 2010 và 2014. Đến năm 2017, cơ quan chức năng đã vào kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù với đơn giá được phê duyệt khoảng trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa được nhận đồng đền bù nào cả.

“Keo đã quá lứa nhưng nằm trong diện tích đã kiểm đếm, nên không được khai thác. Nếu tính giá trị, riêng rừng keo của gia đình tôi đã trị giá nhiều tỷ đồng. Giờ nỗi lo rừng bị cháy, trộm vào khai thác luôn thường trực, khiến bà con đêm, ngày như ngồi trên đống lửa lo cho tài sản của mình", chị Thúy bức xúc.

"Giờ ở đây trở thành cánh đồng chết thế này", chị Bảy xót xa nói
"Giờ ở đây trở thành cánh đồng chết thế này", chị Bảy xót xa nói

Đứng giữa cánh đồng rộng mênh mông đã bị sim mua, cỏ dại mọc kín của thôn Đồng Dọng, bà Lê Thị Bảy vừa chỉ tay vào những căn nhà đã đổ sập, những cánh rừng keo chạy tít tắp vừa cho biết: "Khu vực này vốn là một thôn rất trù phú. Nhưng chỉ vì nằm trong quy hoạch, nên không được đầu tư hệ thống thủy lợi khiến khu vực này dần dần trở thành "cánh đồng chết như thế này đấy!".

Loay hoay với dự án "giậm chân tại chỗ"?

Được biết, từ năm 2007, toàn bộ khu vực thôn Đồng Dọng và một phần thôn 10/10 nằm trong vùng quy hoạch hồ chứa nước Đồng Dọng. Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt quy hoach xây dựng tỷ lệ 1/5000. Năm 2015, UBND tỉnh mới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hồ chứa nước Đồng Dọng, với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, được thực hiện tại 2 xã Bình Dân và Vạn Yên (Vân Đồn).

Dự án được triển khai trên diện tích trên 600ha, ảnh hưởng đến 110 hộ dân và 1 tổ chức. Mục tiêu của dự án là xây dựng đập ngăn nước tạo nguồn nước ngọt cho nhà máy nước để cấp cho đô thị Đoàn Kết - Bình Dân, khu đô thị Cái Rồng, các khu du lịch và khu cảng Vạn Hoa. Ban đầu dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng hồ trên núi 389 (Công ty 389) làm chủ đầu tư. Thời gian triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng được thực hiện từ năm 2017.

Tuy nhiên, đến ngày 1/7/2021, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn đã ký hợp đồng thực hiện với chủ đầu tư mới của dự án là Công ty Mặt trời Vân Đồn. Chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện, chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo thời gian đã ký…

Cánh rừng bạt ngàn với những cây keo to lớn, quá lứa thu hoạch
Cánh rừng bạt ngàn với những cây keo to lớn, quá lứa thu hoạch

Theo thông tin của văn phòng UBND huyện Vân Đồn, thời hạn thực hiện hợp đồng giữa Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và Công ty CP Mặt trời Vân Đồn đã hết hạn ngày 15/1/2024. Chính quyền địa phương đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét thu hồi hoặc triển khai để trả lời cử tri, nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Quang Minh, Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Các kiến nghị của chính quyền và nhân dân địa phương đã được Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tiếp nhận. Hiện đang xem xét, làm việc với các bên liên quan để làm rõ những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Việc có thu hồi hay gia hạn hợp đồng dự án còn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành…".

Mong rằng chính quyền và các cơ quan chức năng kịp thời có phương án xử lý để hỗ trợ người dân tại vùng dự án trên, đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Báo động nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm

Báo động nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí có trường hợp tử vong tại Nha Trang (Khánh Hòa), TP.HCM, Đồng Nai thời gian qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không muốn phải trả giá, thậm chí bằng cả tính mạng.