Chị Nguyễn Thị Hải là giáo viên ở cạnh nhà tôi chia sẻ, bố mẹ chị trước kia làm nghề giáo nên rất coi trọng những quy tắc, lễ giáo trong những bữa cơm gia đình. Từ ngày bé, các chị em trong gia đình chị được bố mẹ dạy cho cách “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Tư thế ngồi vào mâm cơm phải ngay ngắn, gọn gàng, không ngồi sát vào mâm. Khi xới cơm mời người lớn tuổi thì phải gạt phần cơm trên cùng để lấy phần cơm mềm, dẻo ở giữa; không được đơm cơm cháy vào bát người lớn tuổi.
Trước khi ăn cơm, các con phải có lời mời những người trong mâm theo thứ tự từ già đến trẻ. Khi ăn cơm, nói chuyện phải từ tốn, nhỏ nhẹ, không nói to, luyên thuyên dài dòng hoặc trêu đùa nhau dễ dẫn đến sặc cơm. Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn. Khi nhai, tối kỵ chép miệng hay tạo ra tiếng ồn. Không dùng thìa, đũa của mình khuấy vào tô canh chung. Không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm. Phải trở đầu đũa khi muốn tiếp thức ăn cho người khác…
Những quy tắc ứng xử trong bữa cơm gia đình mà bố mẹ đã dạy cho chị em chị Hải cũng là những nguyên tắc chung của hầu hết các gia đình người Việt, ẩn chứa nhiều đạo lý, thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử tinh tế, khéo léo của người Việt từ bao đời nay.