Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Văn Lãng (Lạng Sơn): Nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền giáo dục vùng DTTS

Văn Hoa - 22:00, 25/10/2023

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người vùng DTTS, trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền được học tập và đáp ứng nhu cầu đào tạo cho con em đồng bào các DTTS, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương.

Đồng chí Bế Thị Vẫn (bên phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Đồng chí Bế Thị Vẫn (bên phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Đảm bảo quyền được học tập

Trong chuyến công tác về xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, chúng tôi được chị Hoàng Thị Bích Nguyệt, cán bộ Văn hóa xã đưa đến thăm gia đình em Lưu Tuấn Khang, dân tộc Nùng, thôn Nà Tồng (học sinh lớp 7A1, Trường THCS Tân Thanh). Em là một học sinh đã có những nỗ lực trong học tập và đạt kết quả cao của trường.

 Cả gia đình Khang  4 người, mà chỉ có 1 chiếc xe đạp cũ của bà. Dù nay bà đã già yếu nhưng bà vẫn phải đưa đón hai anh em Khang đi học, tranh thủ lúc hai em đến lớp, vẫn chiếc xe đạp ấy bà làm phương tiện đi lại, để làm nhiều việc lo cho cả gia đình.

Chỉ cho chúng tôi về phía chiếc xe đạp mới tinh, Khang cười cươi bảo, chiếc xe này em vừa được tặng. Từ khi có chiếc xe này, bà em đỡ vất vả hơn, giảm gánh nặng phải đưa đón hai anh em đi học, vì nay em cũng có thể tự đạp xe đưa em trai đến trường. Nói xong Khang dắt xe ra giữa sân khoe với chúng tôi, chiếc xe này đi bon lắm, đi một lúc là tới trường.

Niềm vui của em Lưu Tuấn Khang, thôn Nà Tồng (học sinh lớp 7A1, Trường THCS Tân Thanh) với chiếc xe đạp mới tinh vừa được trao tặng
Niềm vui của em Lưu Tuấn Khang, thôn Nà Tồng (học sinh lớp 7A1, Trường THCS Tân Thanh) với chiếc xe đạp mới tinh vừa được trao tặng

Khang cho biết: em được Dự án “Cán bộ, Chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện hỗ trợ. Ngoài được tặng xe đạp, em còn được hỗ trợ tiền ăn 600 nghìn đồng/tháng. Nhờ đó, em được ăn ngon hơn, đảm bảo dinh dưỡng và có điều kiện học tập tốt hơn. Khang hứa, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng tốt của các cô, các chú...

Được biết, nội dung hỗ trợ xe đạp và tiền ăn của em Lưu Tuấn Khang được cụ thể hóa từ Kế hoạch 534/KH-BCH của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Lãng về Thực hiện Dự án “Cán bộ, Chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” trên địa bàn huyện Văn Lãng năm 2023.

 Đây là nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Theo Kế hoạch năm 2023, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Lãng hỗ trợ 52 em học sinh, với số tiền 384 triệu 800 nghìn đồng (7 triệu 400 nghìn đồng/em, tiền ăn 5 triệu 4 trăm nghìn/em/năm, hỗ trợ phương tiện đến trường, đồ dùng học tập, nhu cầu thiết yếu 2 triệu/em/năm học).

Mỗi em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" hỗ trợ tiền ăn 5 triệu 4 trăm nghìn/em/năm (mỗi tháng 600 nghìn đồng)
Mỗi em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" hỗ trợ tiền ăn 5 triệu 4 trăm nghìn/em/năm (mỗi tháng 600 nghìn đồng)

Cô Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thanh cho biết, hiện toàn trường có 267 học sinh. Để đảm bảo quyền được học tập cho các em học sinh, đặc biệt nhất là các em học sinh DTTS thuộc hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn,… nhà trường chú trọng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. 

Theo đó, học kì I năm 2023, có 35 em được hỗ trợ chi phí học tập (2 học sinh khuyết tật, 8 học sinh thuộc hộ nghèo, 25 học sinh thuộc các thôn, xã đặc biệt khó khăn); có 38 học sinh được miễn giảm học phí (2 học sinh khuyết tật miễn 100%, 8 học sinh hộ nghèo miễm 100%, 25 học sinh thuộc các thôn, xã đặc biệt khó khăn miễn 100%, 3 học sinh thuộc hộ cận nghèo giảm 50%).

Ngoài ra, nhà trường thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm hướng nghiệp theo kế hoạch như: trung thu, 20/11, 26/3, lễ tri ân, ngoại khóa an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, an ninh an toàn, an toàn thực phẩm, ngày hội văn hóa, văn hóa đọc, hội thi khoa học kĩ thuật

Các học viên dù tuổi cao nhưng vẫn tích cực tham gia lớp xóa mù chữ do UBND huyện Văn Lãng tổ chức tại thôn Trung Thành, xã Thành Hòa.
Các học viên dù tuổi cao nhưng vẫn tích cực tham gia lớp xóa mù chữ do UBND huyện Văn Lãng tổ chức tại thôn Trung Thành, xã Thành Hòa.

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, UBND huyện Văn Lãng cũng tích cực kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với các xã, thị trấn trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội, cá nhân tạo tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, hạn chế tối đa hiện tượng học sinh trong độ tuổi phổ cập bỏ học.

Tham gia lớp xóa mù chữ do UBND huyện Văn Lãng tổ chức, bà Chu Thị En, dân tộc Nùng, thôn Trung Thành, xã Thành Hòa bày tỏ vui mừng: Tôi dù mắt kém nhiều rồi nhưng  vẫn thích đi học, đi học vui lắm. Đi học để biết chữ, biết kí tên của mình, để làm ăn và răn dạy con cháu.

Bên cạnh đó, huyện Văn Lãng còn chú trọng tổ chức các lớp đào tạo nghề chăn nuôi cho đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp các học viên có thêm kĩ năng trong lao động, sản xuất…

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Xác định công tác giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, các phòng, ban, ngành và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, phối hợp triển khai kế hoạch xây dựng xã hội học tập rộng khắp, tạo phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời; xây dựng xã hội học tập gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Học sinh Trường THCS Tân Thanh tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy. (Nguồn ảnh: Trường THCS Tân Thanh)
Học sinh Trường THCS Tân Thanh tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy. (Nguồn ảnh: Trường THCS Tân Thanh)

Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, thực hiện tốt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn hoạt động lồng ghép với công tác khuyến học trong thực hiện các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”…

Triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho học sinh bán trú, học sinh DTTS, học sinh thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Năm học 2022-2023, đã hỗ trợ 1.040 học sinh với số tiền 3.164.615.nghìn đồng theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK; hỗ trợ 62.550kg gạo cho cho 1040 học sinh ở các trường phổ thông thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", mô hình "Trường học - Công viên",“Xây dựng trường học hạnh phúc”, “Trường học an toàn về an ninh trật tự”, “Cơ quan văn hóa”. Đối với bậc giáo dục trung học, bên cạnh dạy kiến thức còn chú trọng giáo dục đạo đức, kĩ năng sống nhằm trang bị cho học sinh các kỹ năng "mềm" trong cuộc sống.

Lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Văn Lãng phổ biến Luật giao thông, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn cho học sinh Trường THCS Tân Thanh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Văn Lãng phổ biến Luật giao thông, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn cho học sinh Trường THCS Tân Thanh.

Đặc biệt hiện nay, huyện Văn lãng đang tích cực triển khai các Tiểu dự án của Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong năm 2022, huyện Văn Lãng mở được 4 lớp xoá mù chữ tại 3 xã Thành Hoà, Nhạc Kỳ, Bắc La, với tổng số 114 học viên; mở 8 lớp lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đầu tư nhiều cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường học…

Nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục, đào tạo, đảm bảo ai cũng có quyền và cơ hội học tập, kết quả giáo dục của huyện Văn Lãng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao. 

Theo Báo cáo của UBND huyện Văn Lãng, năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục của huyện cơ bản đạt chỉ tiêu đã đề ra. Học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,69%; học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,8%. Đến năm 2022, 100 số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; tỷ lệ số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi giảm dần qua các năm.

Tin cùng chuyên mục