Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về Đê Tul ngắm nhà rông chồng - vợ

PV - 17:09, 04/10/2020

Làng Đê Tul (xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) ở trên một quả đồi lớn, nhìn lên là núi Chư Nâm cao nhất Gia Lai. Đây có lẽ là ngôi làng Bahnar duy nhất ở Tây Nguyên có đến 2 nhà rông và có đến 9... già làng.

Về Đê Tul ngắm nhà rông chồng - vợ

Nhà rông cũng được phân vai

Làng Đê Tul có trên 160 hộ, hầu hết là người Bahnar, chỉ có số ít hộ người Kinh vào làm ăn, buôn bán. Có lẽ do làng nằm ngay trung tâm xã nên người dân Đê Tul có tư duy cởi mở hơn, đặc biệt là tư tưởng nam nữ bình quyền trong xã hội. Quan niệm mọi thứ “có đôi” luôn gắn chặt trong đời sống sinh hoạt người làng Đê Tul, từ ghè rượu vợ - chồng đến nhà rông cũng có cặp, có đôi... Ông Dơm - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sơ Mei - chia sẻ: “Thường người Bahnar không cho phép phụ nữ bước lên nhà rông. Vậy nhưng ở Đê Tul lại có hẳn một ngôi nhà rông “vợ”. Đây là chi tiết khá thú vị. Điều này cho thấy tư duy tiến bộ, vượt khỏi quan niệm truyền thống lâu đời”.

Vì có tới 2 nhà rông nên người làng Đê Tul phân vai trò rất rõ: Nhà rông “chồng” là nơi tổ chức các cuộc hội họp, hòa giải, xử phạt… dành cho những người đàn ông trong làng; ngược lại, nhà rông “vợ” là nơi hội họp của nữ giới. Ở Đê Tul, vai trò của già làng và tính cấu kết cộng đồng, hệ thống luật tục vẫn còn phát huy sức mạnh giáo dục to lớn. “Thanh niên chưa vợ mà lỡ làm con gái có bầu trước khi cưới sẽ bị đưa lên nhà rông “chồng” để già làng bàn cách xử phạt; phụ nữ lại bị đưa qua nhà rông “vợ” để hội đồng làng luận tội. Những người phạm tội trộm cắp vặt, mâu thuẫn cãi vã nhau không thể tự giải quyết cũng được đưa ra cộng đồng làng xem xét” - già Nghir, già làng Đê Tul kể.

Lý giải về sự khác biệt này, già làng Nghir cho biết: Như bao làng Bahnar khác, trước đây, Đê Tul chỉ có một nhà rông duy nhất nằm ở giữa làng. Sau vì làng Đê Tul quá lớn, một phần người dân tái định cư ra vùng đất mới nên làng làm thêm nhà rông thứ hai để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. 2 nhà rông nằm cách nhau tầm 500m. “Người làng Đê Tul quan niệm, vạn vật cũng giống như con người, cũng phải có đôi thì mới hòa hợp, cân bằng. Nhà rông của làng cũng vậy”, già Nghir giải thích. Vậy là, nhà rông “chồng”, nhà rông “vợ” chính thức được người làng Đê Tul “phân vai”.

Kiến trúc sư của cộng đồng

Được dựng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng tiếc thay, nhà rông “chồng” nguyên bản đã bị cháy cách đây hơn 2 năm. Đây từng là nhà rông lớn và đẹp nhất vùng Đắk Sơ Mei, là niềm tự hào của làng Đê Tul. Nhà rông này cũng là nơi ghi dấu ấn đầu tiên trên hành trình “học việc” làm nhà rông của già Nghir. Để rồi giờ đây già đã là một trong những “kiến trúc sư” nhà rông chính hiệu của làng.

“Ngày ấy, bởi từng có thời gian hoạt động cách mạng nên tôi được dân làng bầu làm trưởng thôn khi mới hơn 30 tuổi. Việc làm nhà rông vì thế tôi ghi nhớ nằm lòng. Dân làng đã mất hơn một tháng trời lao động cật lực mới dựng xong. Và rồi, trong một lần chơi đùa, lũ trẻ con đã sơ ý làm cháy nhà rông này sau ngót 40 năm tồn tại”, già Nghir không giấu được vẻ tiếc nuối. Hiện nhà rông “chồng” đã được dựng lại bằng trụ gỗ, mái lợp tôn.

Về Đê Tul ngắm nhà rông chồng - vợ 1

May mắn thay, nhà rông “vợ”, nằm sát bên quốc lộ 19D, vẫn còn giữ nguyên hiện trạng của một nhà rông nguyên bản của người Bahnar vùng Đắk Sơ Mei với mái tranh, tường bằng phên tre nứa và cột gỗ, xà gỗ. Tất cả đều được đục đẽo, cưa cắt thủ công. Từ khi nhà rông “chồng” bị cháy, nhà rông “vợ” trở thành nhà rông nguyên bản đẹp nhất vùng Đắk Sơ Mei. Chính già Nghir là người chỉ huy xây dựng công trình này. “Đó là tháng 7/2005, khi người làng Đê Tul đã hoàn tất thu hoạch vụ mùa. Cả làng huy động lực lượng để làm nhà rông “vợ”. Hơn chục thanh niên trai tráng lên rừng chặt những cây gỗ lớn về làm cột, vì kèo. Phụ nữ thì người chặt tre nứa, người cắt tranh lợp mái. Mất hơn 20 ngày nhà rông “vợ” mới hoàn thành. Làng mổ 3 con heo, bày hàng chục ghè rượu ngon và mở hội đánh chiêng ròng rã suốt 2 ngày đêm để mừng nhà rông mới”, già Nghir nhớ lại.

Theo già Nghir, người Jarai có chữ viết, nhưng trong xây dựng thì chỉ dùng đến trí nhớ và các loại ký hiệu. “Mình dùng sợi dây để đo đạc và đánh dấu vị trí. Mọi người phải tuân thủ chính xác các vị trí do mình đánh dấu, cứ theo đó mà làm. Cái khó nhất là lợp tranh trên đỉnh mái nhà rông vì nó gần như thẳng đứng, mình phải chọn người khéo léo nhất lợp phần này”, già Nghir nói thêm.

Trái tim của làng

Hiện nay, khi về Đắk Sơ Mei, từ trung tâm xã chạy dọc theo quốc lộ 19D, chúng ta sẽ thấy nhà rông “vợ” sừng sững, trầm mặc đứng bên đường. Nhà rông cao tầm 12m với mái tranh cao vút, dáng vun tròn. 8 cây cột trụ bằng gỗ bình linh vững chãi. 2 bên cầu thang phía trước nhà rông được đặt 2 bức tượng gỗ, một nam một nữ. Dù nhìn từ bên ngoài nhà rông “vợ” đã có phần xuống cấp nhưng bên trong vẫn rất chắc chắn và mát mẻ.

Thêm một điểm độc đáo nữa là Đê Tul hiện có đến… 9 già làng, trong đó ông Nghir là già làng trưởng. Các già làng đều là những người có uy tín trong cộng đồng, được cộng đồng tin tưởng trao nắm giữ các trọng trách khác nhau: già làng nước (cầu mưa, cúng bến nước), già làng lửa, già làng lo các việc cúng tế, già làng phân xử, hòa giải…

Tất cả các công việc chung của làng đều diễn ra dưới mái nhà rông. “Dù cuộc sống có thay đổi thế nào thì nhà rông vẫn là trái tim của làng Đê Tul, còn các già làng, là túi khôn của cộng đồng” - ông Pi Năng Hiêu, Bí thư chi bộ làng Đê Tul tự hào nói./.