Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kông Chro: Đồng bào Ba Na có thương nhớ nhà rông

Thùy Dung - 09:04, 10/11/2019

Nhà rông là một thành tố, là nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay trên một số thôn, làng ở Kông Chro (Gia Lai) đang mất dần đi nhà rông truyền thống xưa.

Nhà rông theo kiến trúc của người Jrai tại làng Bla, xã Đăk Song.
Nhà rông theo kiến trúc của người Jrai tại làng Bla, xã Đăk Song.

Làng Bla, xã Đăk Song với 86 hộ, 427 khẩu, chủ yếu là người Ba Na. Năm 2018, làng đã họp bàn nhau rất nhiều lần để bàn chuyện dựng nhà rông kiểu mới. Đó là thiết kế theo kiến trúc kiểu nhà Thái, mái lợp tôn xanh, đỏ, tuy nhiên lại pha thêm chút kiến trúc của người Jrai. 

Được biết, nhà rông mới được dựng bằng tiền đóng góp của người dân làng. 2 căn nhà rông được đặt cạnh nhau, với 2 dáng vẻ khác nhau. Thoạt nhìn mang lại cảm giác nhà rông mới đã che khuất nhà rông cũ.

Già làng Đinh Khao cho biết: Ngôi nhà rông truyền thống này do người dân trong làng đã đóng góp mỗi người 500 nghìn đồng, đi thuê thợ về để dựng lên. Nhà rông cũ thì để cúng Yàng, tổ chức các ngày lễ hội, nghi thức truyền thống của đồng bào DTTS. Nhà rông mới thì để người dân họp hành, tổ chức sinh hoạt cộng đồng làng.

Anh Đinh Văn Bop, người làng Bla cho biết: Kiến trúc của nhà rông mới theo hướng của người Jrai là vì người dân làng họ thấy làng khác làm đẹp, nên học hỏi để làm theo. Làm theo kiến trúc kiểu mới thì nhà rông sẽ bền hơn, khi bị hư hỏng thì không phải mất nhiều thời gian, công sức để sửa như nhà rông cũ. Nhà rông mới được khởi công xây dựng từ đầu năm 2019, đến nay, nhà rông mới đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Cũng giống như làng Bla của xã Đăk Song, một số làng của các xã khác như Đăk Pờ Pho, xã Ya Ma… cũng đã học theo lối thiết kế nhà rông kiểu mới. Khi được hỏi về việc làm nhà rông kiểu mới rất tốn kém, sao người dân không tìm cách làm nhà rông kiểu cũ, để giữ gìn bản sắc dân tộc và tiết kiệm chi phí? Người dân cho biết, vì không thể tìm được nguyên liệu để làm nhà như kiến trúc cũ và nhà rông kiểu mới rất đẹp, cao ráo và thoáng mát nên dân làng thích hơn.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kông Chro, cho biết: Do nguồn tranh để lợp mái cho nhà rông không còn nên người dân đã thay thế bằng mái tôn. Về việc theo kiến trúc của người Jrai là do người dân làng tự bàn nhau, đóng góp tiền của rồi mời thợ về dựng lên. Phía phòng cũng tích cực vận động người dân bảo tồn nhà rông để giữ gìn văn hóa truyền thống chứ không can thiệp được, vì đây là chuyện của làng, dân làng bàn với nhau, thống nhất với nhau.

Đồng bào DTTS vốn coi trọng giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là nhà rông. Đối với đồng bào, nhà rông là ngôi nhà chung, nơi gắn bó, lưu giữ những giá trị của làng. 

Điều đáng nói, nếu như trước đây người dân phải bỏ công sức ra để cùng nhau dựng nhà rông, đóng góp sức mình vào đấy. Còn hiện nay, khi dựng nhà rông theo kiểu mới, dân làng bỏ tiền để thuê thợ về dựng chứ không còn cùng nhau góp sức nhiều như trước. 

Các giá trị văn hóa truyền thống cứ dần mai một tại các làng DTTS. Liệu mai này, khi nhà rông truyền thống mất dần, người Ba Na vùng Đông Trường Sơn có tiếc nuối thương nhớ nhà rông?

Tin cùng chuyên mục