Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về Ia Ka gặp những già làng "chữa bệnh" cho chiêng

Thùy Dung - 21:00, 21/12/2021

Từ nhiều năm nay, những chiếc cồng, chiếc chiêng ở làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) bị lạc nhịp, mất tiếng đều được các già làng miệt mài “chỉnh giọng” để thanh âm của cồng, chiêng vang mãi nơi đại ngàn.

Trước khi chỉnh chiêng các nghệ nhân phải đánh thử toàn bộ chiêng để tìm ra chiêng bị lạc tiếng
Trước khi chỉnh chiêng các nghệ nhân phải đánh thử toàn bộ chiêng để tìm ra chiêng bị lạc tiếng

Nghề "chữa bệnh" cho chiêng

Ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) những người  yêu chiêng không còn xa lạ với cái tên Rơ Châm Guk, Siu Bít – những nghệ nhân nổi tiếng và cũng là bậc thầy "chữa bệnh" cho chiêng.

Bên mái hiên nhà già Rơ Châm Nha (Người có uy tín làng Mrông Yố 1) những người yêu chiêng đã có mặt đầy đủ để chỉnh lại bộ chiêng lạc tiếng của gia đình già Nha. Từ phía trong nhà, già Nha cùng cậu bé Rơ Châm Tứ khiêng ra bộ chiêng quý. Mỗi già cầm một chiếc chiêng để thẩm âm.

Dứt tiếng chiêng, ông Siu Bít chia sẻ: “Muốn chỉnh được chiêng thì phải đánh thử và nghe xem chiếc chiêng nào lạc tiếng, chứ bằng mắt thường khó mà phát hiện được”. Vì vậy, mỗi khi được đồng bào trong làng hay các huyện khác nhờ chỉnh chiêng những già làng có uy tín lại cùng nhau lắng nghe, “bắt bệnh” và thảo luận để tìm cách “chỉnh giọng” cho chiêng.

Già làng Rơ Châm Guk (bên trái) đang chỉ dạy lại nghề chỉnh chiêng cho những già làng khác
Già làng Rơ Châm Guk (bên trái) đang chỉnh chiêng

“Dụng cụ chỉnh chiêng đơn giản lắm, chỉ cần một dùi gỗ và một chiếc búa nhỏ. Sau khi thẩm âm, phát hiện được chiếc chiêng nào hư thì mình để riêng ra và sửa. Có những chiếc chiêng sửa rất nhanh, chỉ hơn một giờ đồng hồ nhưng cũng có những chiếc chiêng khó, phải chỉnh mất nhiều ngày”, ông Bít chia sẻ thêm.

Tiếp lời già Bít, già Rơ Châm Guk cho biết: “Với đồng bào Tây Nguyên, ai cũng có thể đánh chiêng nhưng để chỉnh được chiêng lại rất khó và rất ít người biết. Muốn chỉnh được chiêng thì người chỉnh phải có khiếu, phải tinh anh và đặc biệt là khéo léo, cần cù. Nếu vội vàng, hấp tấp thì sẽ không chỉnh được chiêng mà càng làm chiêng thêm lạc tiếng”.

Dứt lời, đôi tay già Bit và già Guk lại tiếp tục gõ gõ xung quanh mặt chiêng để nắn chiêng. Sau khi gõ xong, hai già cùng ra hiệu cho nhau cất lên một vài giai điệu để xác định xem chiêng đã hoàn chỉnh chưa. Trong quá trình chỉnh chiêng già Bít và già Guk cũng tranh thủ thời gian để truyền dạy cho thế hệ trẻ để để giữ nghề.

Nối dài nhịp chiêng

Gắn bó với cồng chiêng từ tấm bé cho đến khi mái tóc đã bạc màu, cồng chiêng được xem như máu thịt đối với những già làng ở làng Mrông Yố 1. Những người già yêu tiếng chiêng như yêu mẹ yêu cha, như mái nhà rông, bến nước của làng, bởi vậy các già làng luôn tìm cách lưu giữ và phát huy để âm hưởng cồng chiêng còn vọng mãi tới ngàn đời.

Già Rơ Châm Nha cho biết: “Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, âm nhạc hiện đại đã len lỏi vào làng mình, khiến thế hệ trẻ không còn giữ được tình cồng chiêng như trước kia nữa. Phát huy vai trò Người có uy tín, mình thường xuyên tuyên truyền cho người dân giữ gìn bản sắc dân tộc và truyền dạy lại văn hóa trong gia đình như ngày xưa ông bà mình truyền dạy cồng chiêng cho mình vậy”.

Sống với ông từ nhỏ, em Rơ Châm Tứ đã được già Nha nuôi dưỡng trong tiếng chiêng trầm hùng truyền thống. Năm nay, Tứ mới 12 tuổi nhưng em đã theo chân ông tham gia vào rất nhiều sự kiện văn hóa lớn, nhỏ. Tứ chia sẻ: “Cồng chiêng là một nét văn hóa đặc sắc của người Gia Rai. Vì vậy em luôn mong muốn được học đánh chiêng và chỉnh chiêng để giữ gìn văn hóa dân tộc. Nhiều lần tham gia các lễ hội của xã, huyện, em được chọn vào đội nghệ nhân xã Ia Ka được đi biểu diễn nhiều nơi. Số tiền có được sau mỗi lần đi diễn, em tích cóp lại và cùng với sự hỗ trợ của gia đình em đã mua được 1 bộ chiêng cho riêng mình với giá 25 triệu đồng. Hiện nay, những bạn cùng tuổi với em nếu ai thích học đánh chiêng em cũng sẽ dạy lại cho các bạn”.

Dù chỉ 12 tuổi nhưng em Rơ Châm Tứ (bên phải) đã thuần thục các bài chiêng truyền thống
Dù chỉ 12 tuổi nhưng em Rơ Châm Tứ (bên phải) đã thuần thục các bài chiêng truyền thống

Tiếp lời em Rơ Châm Tứ, già Bít cho biết: “Mình chỉ mong muốn các thế hệ sau này giữ gìn được các nét văn hóa truyền thống mà ông bà để lại từ bao đời nay. Vì vậy không chỉ giữ nghề chỉnh chiêng mà còn phải vận động dân làng, các thế hệ trẻ cùng nhau chung tay giữ gìn nghề đan lát, làm nhạc cụ dân tộc, tạc tượng gỗ,…”.

Hiện nay, theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai còn lưu giữ được 5.655 bộ cồng chiêng, 900 nghệ nhân giỏi và hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng. Vì vậy, đối với dân làng Mrông Yố 1 nói riêng và người dân trên địa bàn xã Ia Ka, huyện Chư Păh nói chung, những người như già Siu Bít, già Rơ Châm Guk là những người có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.