Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về vùng đất nghệ thuật lân sư rồng Chợ Lớn: Huyền thoại Nhơn Nghĩa Đường (Bài 3)

Lê Thuận - 16:14, 08/03/2022

Múa lân có sức thu hút mãnh liệt với cộng đồng người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, có hàng chục đội lân sư rồng lớn nhỏ hoạt động trên địa bàn. Trong đó, đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế, có lịch sử hoạt động lâu đời nhất tại Việt Nam. Với 3, 4 thế hệ cha truyền, con nối, với một số bí quyết, ngón nghề được lưu truyền, đã trở thành huyền thoại trong ngành biểu diễn lân sư rồng.

Một tiết mục biểu diễn trên Mai hoa thung làm nên tên tuổi đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường
Một tiết mục biểu diễn trên Mai hoa thung làm nên tên tuổi đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường

Nghiệp võ, nghề lân

Ngay từ thập niên 30 của thế kỷ trước, nhiều đội lân sư đã được thành lập tại khu vực Chợ Lớn như: Liên Nghĩa, Thanh Liên, Trung Nghĩa, Liên Thắng… Tất cả đều có lịch sử hoạt động hàng chục năm, nhưng phần lớn đều không còn tồn tại. Đến nay, duy nhất đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường là hoạt động lâu đời, đứng vững và phát triển tạo nên nhiều kỳ tích gần 1 thế kỷ qua.

Sự ra đời của lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường cũng rất kỳ lạ. Võ sư Lưu Hạo Lương từ Quảng Đông, Trung Quốc đến Chợ Lớn để hành nghề Đông y và dạy võ thuật từ khi còn rất trẻ. Ông đã gây dựng được cơ nghiệp Đông y nổi tiếng và sáng lập thương hiệu võ thuật, với những chiêu nước nội công oai chấn giang hồ. Năm 1936, võ sư Lương thành lập lân sư Nhơn Nghĩa Đường để truyền dạy võ thuật Chu Gia Quyền. Vì vậy, ông lấy “Chu quán” để đặt tên là "Đoàn lân Chu quán Nhơn Nghĩa Đường".

Sau khi đoàn lân được thành lập và phát triển đến năm 1970, Lưu Kiếm Xương là con trai trưởng của võ sư Lưu Hạo Lương tiếp quản đoàn lân sư khi mới 20 tuổi. Theo ông Xương, ngày xưa người muốn theo nghề lân, phải khổ luyện từng bộ pháp, quyền pháp, cước pháp đạt độ tinh thông mới được chuyển sang múa lân. Thời đó, ai được cầm đầu lân, đại diện môn phái thi triển tuyệt chiêu về lân cho mọi người thưởng lãm là vinh dự lớn cho bản thân.

“Ai theo nghề múa lân trước hết là học võ thuật để giữ gìn sức khỏe. Sau đó, vận dụng võ thuật vào múa lân để tạo nên những bài múa đẹp, múa hay và hấp dẫn rồi từ đó nâng dần thành môn nghệ thuật”, ông Xương nói thêm.

Võ sư Lưu Kiếm Xương bên đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường
Võ sư Lưu Kiếm Xương bên đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường

Sau mấy chục năm tiếp quản, võ sư Lưu Kiếm Xương đã xây dựng được Nhơn Nghĩa Đường hùng mạnh, phát triển ngang tầm khu vực và trên thế giới, với gần 200 thành viên thường xuyên tham gia đoàn lân. Trên hành trình hướng tới kỷ nguyên mới, với những tuyệt chiêu được thiết lập, đoàn lân vừa bảo tồn các hoạt động biểu diễn truyền thống, phục dựng những tiết mục làm nên tên tuổi của Nhơn Nghĩa Đường vừa tiếp tục đổi mới, sáng tạo nâng cao nghệ thuật múa lân.

Thời ấy, tiết mục đặc sắc nhất của đoàn lân sư này, là xếp chồng La Hán trận, yêu cầu nhiều thành viên từ 16 - 18 tuổi, cùng nhau biểu diễn thành 4 tầng. Sau đó, hai người ở trên múa lân leo cột cao, trở thành kỹ thuật độc đáo thời bấy giờ. Các pha biểu diễn lân sư rồng của Nhơn Nghĩa Đường trông thường rất nguy hiểm, nhưng rất thú vị, xứng đáng được lưu truyền sử sách.

Hướng tới kỷ nguyên mới

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng vào năm 1975, Nhơn Nghĩa Đường có thêm đội múa rồng. Do "sinh sau, đẻ muộn" nên đoàn phải nỗ lực tìm hiểu, học tập nhiều võ sư trong ngành, rèn luyện bài múa nâng cao nghệ thuật múa rồng.

Đến năm 1978, đoàn có thêm tiết mục múa sư tử, đồng thời phối hợp cách chơi cồng chiêng, trống, kinh kịch tạo thành những âm thanh đặc sắc. Hiện đoàn có rất nhiều tuyệt kỹ nổi tiếng múa lân sư rồng, với những màn biểu diễn nội công, quyền thuật như: Thiết sa chưởng, Thiết đầu công, Thập tam thái bảo, hoặc các bài quyền biến hóa như: Phục hổ quyền, Hầu quyền, Thập hình quyền... đã tạo nên thương hiệu Nhơn Nghĩa Đường hơn 86 năm qua.

Với sự phát triển, vận động không ngừng, hoạt động múa lân sư rồng ngày càng sôi động, Nhơn Nghĩa Đường đã liên tục tham gia thi đấu trong và ngoài nước lập nhiều thành tích và kỷ lục. Hiện tại, ông Lưu Kiếm Xương đã giao Nhơn Nghĩa Đường cho con trai trưởng Lưu Hoán Phi quản lý các hoạt động và biểu diễn của đoàn.

Trưởng đoàn Lưu Hoán Phi đã lập nhiều kỷ lục Guiness Việt Nam, trong đó có tiết mục múa cột tre cao tới 15m, múa 4 lân trên Mai hoa thung. Lưu Hoán Phi cũng đã kế thừa chí nguyện của cha mình và ra sức để phát huy tinh thần thượng võ của Nhơn Nghĩa Đường.

Hình ảnh ông Địa biểu diễn trước đoàn lân thuộc thế hệ thứ 4 của Nhơn Nghĩa Đường
Hình ảnh ông Địa biểu diễn trước đoàn lân thuộc thế hệ thứ 4 của Nhơn Nghĩa Đường

Trong một buổi biểu diễn chuyển giao quyền lực của lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường, ông Lưu Kiếm Xương chỉ vào chú bé nhỏ tuổi nhất đoàn giới thiệu: “Mới 3, 4 tuổi mà Lưu Hiểu Long lắc ông Địa hay lắm nhé. Lúc này, cơ thể dẻo dai, nhanh nhẹn và cũng rất dễ tiếp thu các động tác khó, tương lai sẽ kế tục sự nghiệp của tôi - ông nội và ba - Lưu Hoán Phi thôi". Trong ngành múa lân, hổ phụ sinh hổ tử được lưu truyền từ đời này qua đời khác, mới tạo nên những huyền thoại cho thế hệ mai sau.

Gần 1 thế kỷ phát triển, đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường thường xuyên tham gia các cuộc thi đấu lân sư rồng quốc tế, giành nhiều giải thưởng vinh quang cho đất nước.

 “Ở Nhơn Nghĩa Đường mọi người đều làm việc chăm chỉ, rèn luyện thể lực, trí lực, đóng góp mồ hôi, công sức cho sự phát triển danh tiếng của lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường”, ông Lưu Kiếm Xương nói.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Như một cái duyên, tôi trở lại xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị) đúng vào dịp lễ A Riêu Piing đang diễn ra. Sau bao năm gần như bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại, lễ hội A Riêu Piing ở A Bung tiếp tục được tổ chức vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Pa Cô (dân tộc Tà Ôi), đặc biệt là âm thanh vang vọng, rộn rã của tiếng cồng, tiếng chiêng- điểm nhấn quan trọng trong lễ hội A Riêu Piing.