Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vĩnh Linh (Quảng Trị): Tạo sức bật để phát triển vùng DTTS

Phạm Tiến - 09:03, 17/05/2022

Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS (số 2050/ ĐA- UBND) của Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tạo ra nguồn lực vô cùng ý nghĩa để lồng ghép với những chương trình, chính sách dân tộc..., giúp cho 2.900 nhân khẩu người Vân Kiều, người Chứt ở các xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê thay đổi sau gần 1 năm thực hiện.

Một góc xã miền núi Vĩnh Ô (Vĩnh Linh, Quảng Trị)
Xã miền núi Vĩnh Ô đã thoát khỏi tình trạng khó khăn nhất của huyện Vĩnh Linh

Tập trung đầu tư vùng khó khăn nhất

Với 97% dân số là người đồng bào Vân Kiều, điều kiện tự nhiên và khí hậu có nhiều bất lợi. Những năm trước, Vĩnh Ô luôn là địa phương nằm trong tình trạng khó khăn nhất của huyện Vĩnh Linh.

Để đồng bào DTTS ở Vĩnh Ô sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn, ngày 12/11/2021, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Linh, đã ban hành Đề án số 2050/ ĐA- UBND, với nhiều nội dung ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS nói chung và vùng khó Vĩnh Ô nói riêng. Theo đó, các dự án như nâng cấp, cứng hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, kiên cố hóa trường, lớp học… được đồng loạt ưu tiên thực hiện. Cùng với đó, các chương trình vườn mẫu, hỗ trợ cây con giống...lồng ghép với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM để tăng nguồn kinh phí cũng được triển khai.

Các chương trình trong đề án đã tác động nhanh chóng vào ý thức đồng bào. Bà con phát huy tốt nguồn giống cây trồng vật nuôi được hỗ trợ; sử dụng hiệu quả sức lao động, khai thác tốt nguồn lực hiện có để phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 26 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 35% giảm 8,77% so với năm 2020.

Không chỉ các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, Đề án 2050 còn có nội dung nâng cao nguồn nhân lực trong đồng bào DTTS, do đó chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực.

Đến nay, Vĩnh Ô đã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập đúng độ tuổi tiểu học ở mức độ 3, phổ cập xóa mù chữ đạt mức độ 2. Duy trì công nhận xã tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2022, đã có 15 lượt cán bộ từ chủ chốt đến các hội đoàn thể ở xã, được cử tham gia lớp tập huấn, học tập nâng cao, từ đó, năng lực điều hành, chỉ đạo và chuyển tải chủ trương chính sách pháp luật đến với đồng bào cũng hiệu quả hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Thái Văn Thành, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh đánh giá: Sau gần 1 năm thực hiện Đề án 2050, xã Vĩnh Ô đang có nhiều khởi sắc. Hiện nay xã đã đạt được 11/19 bộ tiêu chí NTM. Thu nhập bình quân đầu người đã nhích lên, hộ nghèo giảm sâu”.

Đề án 2050 đã thổi một luồng gió mới vào các xã vùng cao huyện Vĩnh Linh
Đề án 2050 đã thổi một luồng gió mới vào các xã vùng cao huyện Vĩnh Linh

Bức phá mạnh mẽ

Nằm về phía Tây huyện Vĩnh Linh, Vĩnh Hà, Vĩnh khê là những xã có đông người Vân Kiều, người Chứt sinh sống. Cũng là những xã thuần nông, thuộc vùng khó khăn của huyện Vĩnh Linh, thế nhưng đến nay, Vĩnh Hà và Vĩnh Khê đã có sự bứt phá mạnh mẽ. 

Kết quả này, có sự góp sức từ Đề án 2050, bởi cùng với nguồn vốn xây dựng NTM, Đề án 2050 đã kịp thời bổ sung nguồn ưu tiên đầu tư cho các xã. Các công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa xã, thôn đã được xây dựng khang trang. Các tuyến đường trục xã, đường liên thôn được bê tông hóa, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng nên giao thông đi lại thuận tiện.

Bên cạnh đó, Đề án tăng cường hỗ trợ đồng bào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ đồng bào xây dựng các mô hình kinh tế; hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Đơn cử như tại xã Vĩnh Hà, Đề án đã xác định cao su là cây trồng chủ lực, với diện tích khoảng 800 ha. Việc đưa khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây cao su được triển khai xuống tận thôn bản. Phòng Nông nghiệp cử cán bộ xuống để đồng hành cùng người dân, từ đó tiết kiệm và nâng cao hiệu suất phân bón. Sản lượng mủ đã tăng lên 2.363 tấn.


Đường giao thông nông thôn ở xã đạt chuẩn NTM Vĩnh Hà
Đường giao thông nông thôn ở xã đạt chuẩn NTM Vĩnh Hà

Với nỗ lực và đồng thuận của đồng bào, bộ mặt nông thôn không ngừng được cải thiện. Từ thay đổi cơ sở hạ tầng, đồng bào ý thức tự vươn lên nỗ lực thoát nghèo.

Ông Hồ Văn Hải, thôn Khe Trù, xã Vĩnh Hà cho biết, cán bộ xuống tận thôn để hướng dẫn bà con chăm sóc cao su. Họ hướng dẫn theo dõi bệnh trên cây… nhờ đó cây cao su phát triển tốt, cho mủ nhiều hơn những năm trước.

Xã Vĩnh Khê cũng là 1 trong 3 xã được hưởng lợi từ Đề án 2050, với gần 90% số hộ là người đồng bào DTTS, đời sống đồng bào ở Vĩnh Khê cũng đang dần khởi sắc.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị là người nắm bắt sát sao về Đề án, nhiều lần về xã Vĩnh Hà kiểm tra thực tế. Phó Chủ tịch tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá: những chính sách ưu tiên phát triển vùng DTTS của huyện Vĩnh Linh, đặc biệt là các hợp phần của Đề án 2050, đang có những tác động tích cực, trực tiếp đến đời sống đồng bào; thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở các xã miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh;  đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Vân Kiều, đồng bào Chứt giảm sâu. Đặc biệt, xã  Vĩnh Hà đã về đích NTM hồi tháng 3/2022; còn xã Vĩnh Khê cũng đang quyết tâm đến 2023 đạt chuẩn NTM.