Hướng thoát nghèo bền vững
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 11 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Để thu hẹp khoảng cách về mức sống cũng như thu nhập bình quân của vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của tỉnh, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Tiêu biểu trong số đó là việc phát huy tiềm năng thế mạnh vùng miền, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng trồng dược liệu quý.
Tam Đảo là huyện miền núi có khoảng 42% dân số là đồng bào DTTS. Với hệ sinh thái núi rừng đa dạng sinh học. Đồng thời với tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt: Biên độ nhiệt độ ngày đêm cao hơn vùng đồng bằng, vùng núi Tam Đảo rất thuận lợi cho nhóm cây dược liệu phát triển. Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng trồng dược liệu theo chuỗi liên kết sản xuất, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điển hình như trường hợp của gia đình chị Hoàng Thị Bảy (trú tại thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương, Tam Đảo). Trước đây, mảnh đồi của gia đình chị Bảy chỉ dùng để trồng sắn và các loại hoa màu có giá trị kinh tế thấp. Năm 2017, sau khi được cán bộ cũng như các hộ dân khác chia sẻ về lợi ích từ trồng cây Ba kích và thấy có nhiều thương lái về Tam Đảo thu mua sản phẩm này với giá cao, gia đình chị Bảy đã cải tạo khu đất đồi để ươm giống, trồng thử nghiệm Ba kích.
Sau một thời gian chăm sóc, nhận thấy cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, gia đình chị Bảy mạnh dạn vay vốn tiếp tục mở rộng diện tích trồng Ba kích.
Theo chị Bảy, trồng Ba kích không khó, lại tốn ít công chăm sóc, có thể trồng dưới tán cây khác mà vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đợt đầu, nhà chị Bảy cho thu hoạch hơn 2 tấn Ba kích, cho thu lãi trên 300 triệu đồng. Chính nhờ nguồn thu nhập ổn định đó, cuộc sống gia đình chị Bảy từng bước ổn định.
Có thể nói, một trong những điểm tựa để nhiều hộ dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Tam Đảo mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây Ba kích cũng như các loại dược liệu khác đó chính là nhờ sự đảm bảo thu mua nguyên liệu từ các doanh nghiệp chế biến. Điển hình là Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Minh Phúc An (đóng tại địa bàn huyện Tam Đảo).
Để từng bước nâng cao giá trị cây dược liệu, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt đầu tư hệ thống máy, thiết bị hiện đại. Đáp ứng điều kiện sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây Ba kích cũng như nhiều cây dược liệu khác, áp dụng được các tiêu chuẩn cao như tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Đến nay, các sản phẩm chủ lực của Công ty, như Rượu Đông trùng hạ thảo với Ba kích Tam Đảo, Rượu Ba kích Tam Đảo, Rượu Ba kích Sâm cau đã được công nhận đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng thị trường, tiến hành tiếp thị, quảng bá các sản phẩm chủ lực và định hướng phát triển thương hiệu các sản phẩm từ Ba kích theo mô hình chuỗi liên kết giá trị.
Bà Âu Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Minh Phúc An, cho biết: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm đã kích thích hộ nông dân mở rộng trồng cây Ba kích cũng như các cây dược liệu khác, qua đó mang lại thu nhập cao cho người dân.
Phát huy tiềm năng cây dược liệu bản địa
Theo thống kê của UBND huyện Tam Đảo, toàn huyện có trên 200 loại cây dược liệu khác nhau, như: Ba kích, Trà hoa vàng, Tam thất, Hoàng đẳng, Cẩu tích, Bổ cốt toái…Việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu không chỉ giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mà còn góp phần bảo tồn những loại thuốc quý.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, chủ yếu là tại huyện Tam Đảo. Một số dự án về bảo tồn, trồng và chăm sóc cây dược liệu điển hình, như: Dự án trồng Cát sâm, Trà hoa vàng đạt tiêu chuẩn organic đã được triển khai hiệu quả. Cùng với đó, hiện hội viên Hội Đông y tỉnh cũng tích cực bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý, như: Sâm bố chính, Ba kích, Sa nhân, Khôi nhung, Cà gai leo, Hoàng đằng, Cốt toái bổ... với tổng diện tích gần 119ha .
Đối với các mô hình trồng dược liệu theo hướng hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương lựa chọn 4 mô hình sản xuất dược liệu hữu cơ với quy mô 1 ha/mô hình, gồm 2 mô hình sản xuất Trà hoa vàng tại xã Tam Quan, huyện Tam Đảo và 2 mô hình sản xuất Ba kích hữu cơ tại xã Thái Hòa, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, xây dựng thương hiệu cho các loại dược liệu của Vĩnh Phúc gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, tạo điều kiện để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân (đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS).