Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vĩnh Phúc: Quan tâm đào tạo cán bộ người DTTS “vừa hồng, vừa chuyên”

Vân Khánh - 21:43, 03/11/2023

Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức cấp xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có trình độ đại học và 80% đạt trình độ cao cấp chính trị. Đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” này sẽ là “đầu tàu” để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, xóa dần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) vận dụng các kiến thức học được từ các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Lãnh đạo xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) vận dụng các kiến thức học được từ các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Bồi dưỡng bản lĩnh chính trị

Theo thống kê của Sở Nội vụ Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có khoảng 27 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, có 1.500 công chức cấp tỉnh, huyện, 2.500 cán bộ, công chức cấp xã, còn lại là viên chức. Trình độ, bằng cấp chuyên môn của cán bộ, công chức đã đạt chuẩn và trên chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm. Toàn bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện làm nhiệm vụ chuyên môn đều có trình độ đại học trở lên, trong đó sau đại học chiếm 45%...

Trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trước thực tiễn các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, đảng viên người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Tại huyện Tam Đảo, địa phương có dân số hơn 78 nghìn người, trong đó, có hơn 44% là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu, thời gian qua, huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, bản lĩnh cách mạng vững vàng, có phẩm chất, trình độ chuyên môn tốt cho đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn. Chỉ tính từ năm 2022 đến tháng 6/2023, Trung tâm Chính trị huyện Tam Đảo đã mở 26 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho hơn 2.900 lượt học viên là cán bộ, công chức, bí thư chi bộ, trưởng thôn...

Theo ông Vũ Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Tam Đảo, 100% học viên sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng được đánh giá đạt yêu cầu. Đội ngũ cán bộ đã biết vận dụng những kiến thức được học vào thực tiễn giải quyết những công việc cụ thể, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, được Nhân dân đánh giá cao.

Cũng như huyện Tam Đảo, các địa phương có đông đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị để xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS vừa có trình độ chuyên môn, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đây là giải pháp then chốt để thực hiện mục tiêu của tỉnh đặt ra trong Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 15/7/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức cấp xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có trình độ đại học, 80% có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức cấp xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có trình độ đại học, 80% có trình độ cao cấp lý luận chính trị. (Trong ảnh: Lãnh đạo UBND xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo giải đáp thắc mắc của người dân)
Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức cấp xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có trình độ đại học, 80% có trình độ cao cấp lý luận chính trị. (Trong ảnh: Lãnh đạo UBND xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo giải đáp thắc mắc của người dân)

Tạo đột phá trong đào tạo đội ngũ cán bộ

Trong Kế hoạch số 185/KH-UBND về thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 không còn khoảng cách, chênh lệch phát triển giữa xã vùng đồng bào DTTS và miền núi với xã đồng bằng của tỉnh. Đây cũng là chỉ tiêu phấn đấu trong việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ của tỉnh, không có sự chênh lệch về trình độ giữa các vùng miền và giữa các dân tộc.

Theo số liệu của Sở Nội vụ Vĩnh Phúc, tính đến năm 2021, 100% cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định. Tuy nhiên, với vị trí, tiềm năng của Vĩnh Phúc hiện là một trong những địa phương có sức thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ góc độ tiếp cận năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho thấy, đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa thật sự sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc quốc tế.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ngày 5/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU về “Đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”. Đề án đưa ra một số định hướng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 8/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU, trong đó giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đồng thời, để thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, Vĩnh Phúc đã quan tâm bố trí kinh phí với chính sách đặc thù.

Cụ thể, ngày 3/8/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, cán bộ, công chức được cử đi tham gia đào tạo, bồi dưỡng sau đại học; tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hỗ trợ 100% học phí theo quy định hoặc theo hợp đồng do tỉnh ký kết. Trường hợp cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí một lượt đi và về từ Vĩnh Phúc đến các địa điểm đào tạo, bồi dưỡng…

Việc triển khai Đề án số 06-ĐA/TU là một giải pháp để Vĩnh Phúc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong Nghị quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định thực hiện đột phá trong công tác cán bộ với nhiệm vụ: “Tập trung bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn, đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách trong môi trường thực tiễn”. Đây là bước ngoặt đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.