Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Vĩnh Phúc: Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi

Vân Khánh - 17:26, 11/04/2023

Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, việc lồng ghép và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG) và các chương trình, chính sách phát triển KT-XH hội của tỉnh được đặc biệt quan tâm.

Đời sống người dân vùng DTTS&MN của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được nâng cao
Đời sống người dân vùng DTTS và miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được nâng cao

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Sán Chay (nhóm Cao Lan), Tày, Mường, Nùng… Các DTTS sống đan xen, rải rác ở địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Thời gian qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc và đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; 37/40 xã vùng DTTS và miền núi đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ.

Đáng chú ý, trong số 93,5% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT, BHXH thì vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt gần 80%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2021 đạt gần 80 triệu đồng/người/năm, trong đó vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 47 triệu đông/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 là 1,51%, vùng đồng bào DTTS và miền núi là 3,01%...

Cùng với những chính sách của Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ học phí cho con em người DTTS; hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào DTTS.

Ông Hoàng Anh - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Chương trình MTQG được triển khai thực hiện trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng DTTS, gồm: Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Minh Quang, Hồ Sơn, Đại Đình, Hợp Châu (huyện Tam Đảo); Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên); Ngọc Thanh (Tp. Phúc Yên); Quang Yên (huyện Sông Lô); Quang Sơn (huyện Lập Thạch).

Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản triển khai các cơ chế, chính sách, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương trong tỉnh thực hiện Chương trình. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn theo quy định. Hệ thống các văn bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp điều kiện phát triển KT-XH của địa phương.

Được biết, thực hiện Chương trình MTQG, Vĩnh Phúc đặt mục đặt mục tiêu tất cả các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi có hệ thống đường giao thông được rải nhựa hoặc bê tông hóa; đường giao thông nội đồng được cứng hóa toàn bộ; 100% trường, lớp học, trạm y tế tại các xã, thôn được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn; 100% đồng bào DTTS được tham gia BHYT; tất cả phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7%...

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai giúp người DTTS thoát nghèo
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai giúp người DTTS thoát nghèo

Theo ông Hoàng Anh - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ quan tâm tạo điều kiện cho người nghèo ổn định, phát triển sản xuất, việc làm, tăng thu nhập. Trong đó, tiếp tục thực hiện cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đảm bảo các đối tượng hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn. Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất, kinh doanh.

Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó, học sinh, sinh viên học các ngành, nghề theo danh mục ngành, nghề (14 nhóm danh mục nghề cao đẳng, trung cấp) sau khi hoàn thành khóa học tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và có hợp đồng lao động làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc ít nhất 12 tháng thì được hưởng hỗ trợ 1 lần theo Nghị quyết. Gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo, dạy nghề phù hợp với cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề của địa phương, ưu tiên dạy các nghề có thể tự tạo việc làm tại chỗ, những nghề có nhu cầu cao, có khả năng tìm được việc làm trên thị trường và tham gia xuất khẩu lao động.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo DTTS; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; hỗ trợ phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ chi phí giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa nhất là đối với các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương, ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo làm nông nghiệp có lao động, có tư liệu sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất. nhằm tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất, việc làm, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương…

Tin cùng chuyên mục
Đổi thay ở Krông Nô

Đổi thay ở Krông Nô

Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có 10/12 xã, thị trấn và 19/52 thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Sau gần 4 năm triển khai, nguồn lực từ Chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao.