Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Vĩnh Phúc: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số hài lòng cấp tỉnh

Xuân Hải - Vân Khánh - 22:50, 15/05/2023

Với tinh thần dám nhìn thẳng, nói thật cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đang dần cải thiện về chỉ số hài lòng cấp tỉnh của hợp tác xã (HTX). Chỉ số trên được thăng hạng sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, người lao động trong HTX sẽ có thu nhập khoảng 85 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, người lao động trong HTX sẽ có thu nhập khoảng 85 triệu đồng/người/năm.

Nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế để khắc phục

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 700 HTX, doanh thu bình quân của mỗi HTX khoảng 1,6 tỷ đồng/năm. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong các HTX đạt trên 200 nghìn người, với mức thu nhập bình quân khoảng 52 triệu đồng/người/năm.

Trong những năm gần đây, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng đóng góp của kinh tế tập thể (KTTT) vào GDP của tỉnh còn thấp. Theo Đề án phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã nhìn nhận một cách thẳng thắn vào những tồn tại, hạn chế của mô hình này, từ đó đề ra các quyết sách, giải pháp phù hợp để khắc phục. Cụ thể, theo UBND tỉnh, tính hiệu quả trong hoạt động của nhiều HTX (đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS) trên địa bàn chưa cao khi chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào của sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Vấn đề tuyên truyền, phổ biến Luật HTX và các văn bản về KTTT, HTX ở một số địa bàn chưa thường xuyên, sâu sát. Nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, địa phương và một bộ phận Nhân dân về tầm quan trọng, vai trò và vị trí của kinh tế hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội chưa đầy đủ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn thiếu kiên quyết, chưa kịp thời. Sự phân công nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với HTX còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên được xem là rào cản lớn khiến cho chỉ số hài lòng cấp tỉnh của HTX tại Vĩnh Phúc chỉ đứng vị trí khiêm tốn trong danh sách số 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Theo ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để cải thiện chỉ số hài lòng cấp tỉnh của HTX cần sự đồng lòng của các cấp chính quyền.
Theo ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để cải thiện chỉ số hài lòng cấp tỉnh của HTX cần sự đồng lòng của các cấp chính quyền.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Chỉ số hài lòng cấp tỉnh của HTX là chỉ số đo lường mức độ hài lòng của HTX về sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX. Thông qua khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của HTX thành viên có thể giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm bắt tình hình thực tế và có sự điều chỉnh, thay đổi phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đưa ra cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn trong việc thúc đẩy KTTT, HTX phát triển. Kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ KTTT, HTX.

Để cải thiện chỉ số hài lòng cấp tỉnh của HTX, với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX như: Cho thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng và quỹ hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, ưu đãi về thuế, phí đăng ký hợp tác xã, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX... Nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc sẽ dành gần 95 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn sự nghiệp và nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 20 HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động khá tốt từ 60% trở lên. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Vĩnh Phúc) hoạt động hiệu quả nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Vĩnh Phúc) hoạt động hiệu quả nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

Để công tác chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đi vào thực tế, Liên minh HTX tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện, duy trì tiêu chí về tổ chức sản xuất. Hướng dẫn xây dựng tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và tham gia góp ý vào nhiều văn bản dự thảo có liên quan của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức Hội nghị tọa đàm giữa các HTX với chủ đề “Tăng cường giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh”, tổ chức 1 đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các HTX có kinh nghiệm, cách làm hay trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, nhằm cải thiện nâng cao chỉ số hài lòng cấp tỉnh của HTX. 

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, tính đến nay, các tổ chức tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ hơn 40 HTXvay vốn sản xuất với tổng dư nợ đạt hàng trăm tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ HTX đã hỗ trợ hơn 108 lượt HTX vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 90 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã hỗ trợ nhiều HTX Nông nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa an toàn theo hướng VietGAP. Tiêu biểu trong số đó là việc hỗ trợ HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý ứng dụng mô hình mạ khay cấy máy trong sản xuất lúa, HTX Nông nghiệp Vạn Xuân phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà thương phẩm theo VietGAHP từ Chương trình khuyến nông của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, hy vọng trong thời gian tới, chỉ số hài lòng cấp tỉnh của HTX tại Vĩnh Phúc sẽ có những bước tiến vượt bậc, đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.