Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vui Tết Ồ xị chờ nơi cực Tây Tổ quốc

Nam Hương - 10:02, 02/01/2020

Hàng năm vào ngày Sửu đầu tiên của tháng 12 dương lịch, người Si La, ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên lại tưng bừng tổ chức Tết Ồ xị chờ. Đây là tết quan trọng nhất trong năm, thể hiện tín ngưỡng lâu đời trong đời sống văn hóa tâm linh của người Si La nơi đây.

Trong 3 ngày tết, từ người già đến trẻ em dân tộc Si La đều mặc đẹp để đón chào năm mới
Trong 3 ngày tết, từ người già đến trẻ em dân tộc Si La đều mặc đẹp để đón chào năm mới

Theo phong tục, sau khi dân bản đã thu hoạch xong mùa màng, thóc ngô đầy bồ, người Si La sẽ tạm gác lại mọi việc trên nương để tụ họp bên gia đình, người thân đón mừng năm mới. Đây cũng là dịp để những người con đi xa trở về sum họp, quây quần bên gia đình, báo hiếu tiên tổ, cha mẹ, cùng vui chơi và thăm hỏi người thân, bạn bè.

Trước tết, người dân trong bản tất bật trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp đường làng ngõ xóm sạch đẹp và treo cờ Tổ quốc. Già Lỳ Chà Che cho biết: Tết Ồ xị chờ của người Si La kéo dài trong vòng 3 ngày, nhưng ngày chính lễ quan trọng nhất là ngày thứ hai. Trong ngày này, tất cả bà con trong bản tiến hành làm cơm cúng tổ tiên, cầu cho mùa màng bội thu.

Từ 2 - 3 giờ sáng, cả bản đã bừng tỉnh trong tiếng giã bánh dày thậm thịch. Khi đàn ông giã xong, những người phụ nữ với đôi bàn tay khéo léo nặn thành những chiếc bánh tròn trịa. Đến khoảng 6 giờ sáng, khi sương mù vẫn bao phủ, những người đàn ông bắt đầu mang lợn ra bờ suối Nậm Sin để mổ.

Trước tết vài ngày, người Si La phải chuẩn bị chu đáo những đồ lễ trong mâm cúng, gồm: một đôi sóc, một đôi cua, một đôi cá... Trong đó, thứ quan trọng nhất không thể thiếu được trong mâm cúng ngày Tết Ồ xị chờ là thịt sóc. Dân tộc Si La quan niệm, sóc là con vật có vị thế đặc biệt quan trọng, được ví như vật tổ của mình.

Khi đồ cúng đã được chuẩn bị đầy đủ, chủ nhà khấn với tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy bồ, sức khỏe bình an. Kết thúc nghi thức cúng, người Si La bắt đầu vào tiệc rượu, say men nồng ấm chúc cho nhau năm mới bình an. Mọi người trong bản đến nhà nhau chúc tết, nhà nào cũng bày sẵn mâm cỗ để thiết đãi khách quý. Tuy mâm cỗ không quá cao sang nhưng đó là tình cảm, những sản vật mà người Si La đã nỗ lực sản xuất trong một năm. Mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng ngồi lại uống với chủ nhà vài ba chén rượu, trao cho nhau những cái bắt tay thật chặt, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cầu cho gia chủ thóc lúa đầy nhà, đàn gà, đàn lợn sinh sôi nảy nở, phát triển tốt. Tiệc tan, gia chủ không quên biếu khách những chiếc bánh dày thơm dẻo, đậm đà hương vị đặc trưng người Si La và gửi những lời hẹn sang năm lại đến với bản.

Đầu bản, nam thanh nữ tú, trẻ em lại xúng xính quần áo mới truyền thống tham gia nhiều hoạt động vui chơi; hào hứng, say sưa hòa mình trong những điệu múa, câu hát giao duyên, các trò chơi dân tộc (tù lu, kéo co, ném còn). Gần trưa, khi mặt trời lên cao là lúc má các cô gái ửng hồng, các chàng trai lấm tấm hồ hôi nhưng ánh mắt của họ đã trao nhau thật nồng ấm, thể hiện khát vọng sự đoàn kết, gắn bó và mong muốn một cuộc sống đủ đầy, đầm ấm.

Ngày thứ 3 của Tết Ồ xị chờ được xem là “Ngày báo hiếu” công ơn cha mẹ. Trong ngày này, những người con gái đã đi lấy chồng không kể gần xa trở về bên gia đình thăm hỏi, tặng quà, chúc tết bố mẹ đẻ, thể hiện lòng tri ân, sự biết ơn đã nuôi dạy khôn lớn của những đấng sinh thành.


Tin cùng chuyên mục
Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có một số cuốn sách cổ viết bằng chữ Thái hệ Lai Pao trên lá cây khá độc đáo. Tuy nhiên, những cuốn sách cổ này còn rất ít và số người biết đọc chữ Thái cũng không còn nhiều. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái là điều hết sức cần thiết.