Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vùng đất khó Ia Kreng hướng đến mục tiêu thoát nghèo

Ngọc Thu - 19:30, 07/11/2022

Ia Kreng là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, với gần 100% dân số là người DTTS. Ia Kreng cũng là xã từng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Những năm gần đây, vùng đất khó Ia Kreng đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để vươn lên thoát nghèo, thoát khó, từ đó diện mạo của Ia Kreng có sự đổi thay rõ rệt.

Một góc làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh
Một góc làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh

Ia Kreng đang quyết tâm triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững. 

Nỗ lực vượt khó

Xã Ia Kreng có 574 hộ đồng bào DTTS sinh sống tại 3 làng, Dôch 1, Dôch 2 và Díp, với gần 100% là người dân tộc Gia Rai. Trong đó, làng Dip là làng tái định cư để nhường đất xây dựng thuỷ điện. Với địa hình đồi núi, đất đai kém màu mỡ, nước tưới thường xuyên bị khô hạn đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của bà con. Cùng với đó, tập quán canh tác, trồng trọt của người dân vẫn theo phương thức truyền thống, chưa  áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều vào sản xuất và chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã 60,21%.

Trước thực tế này, hằng năm xã Ia Kreng đã tập trung vào công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp phù hợp với tình hình địa bàn. Trước tiên, xã đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm 3 - 5% số hộ nghèo trở lên. Theo đó, xã đã tuyên truyền, vận động bà con tận dụng mọi diện tích đất đưa vào sản xuất, hướng dẫn bà con mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. như: Đối với người dân có diện tích đất sản xuất ở những khu vực nước tự chảy, thì mạnh dạn chuyển sang trồng cây cà phê, cây ăn quả; những hộ ít đất sản xuất chuyển hướng sang chăn nuôi bò. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách các hộ nghèo, cận nghèo, thành lập tổ tư vấn kỹ thuật xuống tận nhà, tận vườn để hướng dẫn bà con từ cách trồng, chăm sóc, cắt cành, bón phân...

Chính quyền, ban ngành, đoàn thể xã Ia Kreng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo
Chính quyền, ban ngành, đoàn thể xã Ia Kreng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo

Bên cạnh đó, xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tín chấp tạo điều kiện cho 391 hộ dân vay vốn sản xuất, với số dư hiện tại là 10,226 tỷ đồng. Ngoài ra, Phòng Dân tộc huyện cũng phối hợp với Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi tỉnh cấp bò sinh sản, phân bón, giống lúa …; triển khai các chương trình dự án đầu tư. Đặc biệt, các già làng, trưởng thôn, Người có uy tín cũng phát huy tối đa vai trò trong công tác tuyên truyền giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, chịu khó lao động, xây dựng khối đại đoàn kết, từng bước giúp nhau vươn lên thoát nghèo.

Hướng đến mục tiêu thoát nghèo 

Hiện nay, xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chuối hột rừng, sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, xây dựng thương hiệu riêng cho chuối hột Ia Kreng và là cây trồng giúp người DTTS xoá đói, giảm nghèo. Mỗi năm, người dân Ia Kreng thu hoạch được khoảng 200 tấn chuối rừng khô, cung cấp cho người dân trong xã và các vùng lân cận. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày người dân thu nhập thêm khoảng 200 ngàn đồng.

Người dân mở rộng diện tích trồng chuối hột rừng thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương
Người dân mở rộng diện tích trồng chuối hột rừng thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương

Gia đình ông Rơ Châm Kuih (làng Dip) đã có nguồn thu từ 1 ha chuối. Ông Kuih cho biết: "Nghe cán bộ vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng tôi chuyển sang trồng chuối hột rừng. Cây chuối thích nghi rất tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây, lại không phải bỏ công chăm sóc và tiền đầu tư. Nhờ có nguồn thu từ trồng chuối, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn nhiều”.

Ngoài ra, xã cũng vận động người dân tận dụng diện tích mặt nước hồ thủy điện Sê San 3, Sê San 3A để phát triển nghề nuôi cá lồng. Cụ thể, Dự án nuôi cá lồng bè trên sông Sê San do Trung tâm Giống thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai, với 30 hộ dân 2 làng Doch 1 và Dip tham gia. Đến kỳ thu hoạch, đối với dân làng, đặc biệt là làng tái định cư Díp rất phấn khởi khi mẻ cá đầu tiên đã cho doanh thu từ 30 - 40 triệu đồng. 

Trẻ em DTTS trong độ tuổi đi học trên địa bàn xã đều được miễn học phí
Trẻ em DTTS trong độ tuổi đi học trên địa bàn xã đều được miễn học phí

Anh Rơ Châm Phyui (làng Doch 1) chia sẻ: Khi được chọn tham gia mô hình, bà con rất đoàn kết, tích cực đóng góp ngày công để làm lồng và tự bỏ tiền làm nhà lồng để vừa ở, vừa thuận tiện cho việc chăm sóc cá. Mỗi ngày, chúng tôi tự bảo nhau phân công người luân phiên chăm sóc đàn cá. Gắn bó với đàn cá từ lúc mới thả, giờ thu hoạch bán được giá, mọi người ai cũng phấn khởi.

 "Tôi thấy việc nuôi cá không mất nhiều thời gian mà hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng lúa rẫy. Cứ đà này thì dân làng có nghề tăng thu nhập, cuộc sống ổn định hơn”, anh Rơ Châm Phyui phấn khởi thông tin.

Với những cách làm cụ thể, cuộc sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn xã, đang từng bước được cải thiện và nâng lên. Đến nay, toàn xã có diện tích gieo trồng đạt 789,42 ha gồm lúa nước 12,7 ha, lúa rẫy 181 ha, sắn 185 ha, bời lời 209 ha, cà phê 90ha, điều 6,7 ha… và đàn gia súc gia cầm gần gần 3.000 con.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,8%, với 158 hộ nghèo/574 hộ (giảm hơn 8% so với năm 2020 và 31,41% so với năm 2016).

Con đường nội đồng nối từ làng Dip đến khu sản xuất được bê tông hóa giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con được thuận tiện
Con đường nội đồng nối từ làng Dip đến khu sản xuất được bê tông hóa giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con được thuận tiện

Ông Rơ Châm Tâm, Chủ tịch UBND xã Ia Kreng, cho biết: Sau 5 năm gần đây triển khai các chương trình, chính sách, đời sống người dân đã có nhiều khởi sắc. Song cái được hơn hết đó là nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS đã thay đổi. Người dân đã biết cách tính toán hiệu quả kinh tế, tiết kiệm, phân công công việc để cùng hưởng lợi. 

Thời gian tới, xã tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác giảm nghèo, áp dụng khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm tạo đà thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Với lợi thế chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì mục tiêu này là tương đối cao; nhưng từ những thành tựu phát triển đã đạt được và sự đột phá trong tư duy, tỉnh Hậu Giang sẽ hiện thực hóa khát vọng này.