Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam - Bài toán vẫn chưa tìm được lời giải

Thúy Hồng - 11:58, 01/04/2023

Trong những năm qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa làm tốt công tác xây dựng được thương hiệu cho các mặt hàng nông sản.

Vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ
Vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ

Chưa xây dựng được thương hiệu toàn cầu

Nông sản là ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch mỗi năm gần 49 tỷ USD. Trong đó, rau quả là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Rau quả của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, trong đó có các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác…

Lấy ví dụ điển hình từ mặt hàng cà phê, mặc dù được mệnh danh là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng này vẫn còn khá mờ nhạt, gần như không có thương hiệu… Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân sâu xa là do cà phê Việt chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không nhiều, công nghệ chế biến sau thu hoạch còn kém… Sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu nên chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến nhiều mà phải thông qua các doanh nghiệp (DN) trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Theo ông Đặng Phúc Giang (Trung tâm Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp phát triển nông thôn) hiện nay mới chỉ có 20/124 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản đạt thương hiệu quốc gia. Số lượng doanh nghiệp có thương hiệu đã ít mà chính sách bảo hộ thương hiệu Việt tại nước ngoài còn bất cập. Nhiều thương hiệu Việt Nam như ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột… vẫn bị xâm phạm.

Mặc dù được mệnh danh là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng này vẫn còn khá mờ nhạt, gần như không có thương hiệu
Mặc dù được mệnh danh là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng này vẫn còn khá mờ nhạt, gần như không có thương hiệu

Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam chưa được định vị ở phân khúc giá trị cao do liên quan đến năng lực chế biến, bảo quản và Logictisc. Khoảng 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu vẫn dưới dạng thô, giá trị xuất khẩu thấp.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNNT) cho rằng "nông sản Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng biết đến rộng rãi".

Theo ông Toản, khoảng 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có Logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyên nhân là đa số nông sản được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng. Quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản chưa nhiều dẫn đến chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định. Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể chủ yếu được xác định chất lượng bằng màu sắc, hình dáng, mùi vị… dựa vào cảm quan là chính nên rất khó định lượng để đề ra tiêu chuẩn chung cho sản phẩm đó.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa quan tâm đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Thiếu các tổ chức ngành hàng (nghiệp đoàn, hiệp hội…) dẫn dắt, thúc đẩy thương hiệu nông sản Việt Nam.

Đối diện nhiều khó khăn

Câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, hay gạo ST25 bị gian lận thương hiệu là những ví dụ điển hình về xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, tuy nhiên việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn.

Theo PGs.Ts. Nguyễn Quốc Thịnh - Trường Đại học Thương Mại, khó khăn đến từ yếu tố chưa xác định được quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng của các thành viên tham gia sử dụng, khai thác thương hiệu tập thể đối với nông sản.

Theo ông Thịnh, việc xác định tổ chức đứng tên chủ thể quản lý và khai thác thương hiệu tập thể đòi hỏi tổ chức đó phải đủ mạnh, có uy tín và phải nắm vững việc sản xuất kinh doanh sản phẩm mà mình làm ra; có kiến thức về thị trường, có kiến thức tổ chức, quản lý cũng như phải có hiểu biết về sở hữu trí tuệ và giá trị của tài sản trí tuệ.

Ngoài ra, sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã khiến nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ đánh mất tên thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước.

Đề cập về vấn đề này, bà Lê Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ: Hiện nay, ở cấp Trung ương, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.

Khoảng 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu
Khoảng 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có Logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu

Nhìn nhận từ câu chuyện xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung, lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình.

Ông Vũ Anh Sơn - phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp (Bộ Công thương) cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu, doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư thông qua những chuyên gia tư vấn, đơn vị tư vấn xuất khẩu tìm hiểu các bước thâm nhập vào thị trường đó. Đây là quá trình dài hơi và khó khăn từ chuẩn bị hàng hóa, nghiên cứu thị hiếu thị trường bản địa, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam các thị trường nước ngoài.

Rõ ràng để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, cần có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp, người dân. Cần thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản... Có như vậy mới có thể xây dựng được thương hiệu tăng giá trị của nông sản Việt trên trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.