Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Xây dựng thương hiệu nông sản từ giống cây trồng, vật nuôi bản địa

Thúy Hồng - 17:45, 24/04/2021

Trước thực trạng, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc bản địa, có chất lượng và giá trị kinh tế cao nhưng đang bị suy thoái, mai một, nhiều địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp lưu giữ, nhân giống và phát triển nguồn gen gốc. Từ đó, góp phần bảo tồn được nguồn gen quý, xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Mô hình nuôi lợn đen ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang
Mô hình nuôi lợn đen ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang

Giống lúa nếp hương Khẩu Nua Hom của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng),  là một loại gạo có hương thơm, độ dẻo, chất lượng. Mặc dù là gạo ngon của địa phương, nhưng nhiều năm qua, vẫn chưa thể vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh do chưa thiết kế được bao bì, nhãn mác sản phẩm. Thêm vào đó, quá trình canh tác lâu năm, giống lúa nếp hương này cũng đã suy thoái, năng suất thấp.

Trước thực trạng đó, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nếp hương Bảo Lạc”, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Sau khi thực hiện đề tài bảo tồn, phục tráng giống lúa nếp này, đã cho giống lúa nếp hương nguyên chủng chất lượng cao, năng suất tăng 20% so với giống cũ, bình quân đạt 46 tạ/ha. 

Hiện nay, đã có doanh nghiệp đứng ra thu mua đóng gói, tiêu thụ giống nếp thơm với khoảng 20 tấn/năm. Khi sản phẩm có đầu ra, giá trị được gia tăng, các hộ nông dân đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp hương. Đến nay, diện tích trồng tại huyện Bảo Lạc đã tăng gấp đôi, đạt 100 ha/vụ, thu nhập bình quân đạt 90 triệu đồng/ha.

Chị Lãnh Thị Huyền, xóm Nà Đoỏng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc cho biết, trồng lúa nếp hương năng suất thấp hơn lúa lai, nhưng giá trị kinh tế cao gần gấp ba lần. Gia đình chị đã trồng 0,2ha, và dự kiến sẽ tăng diện tích trồng lúa nếp hương trong vụ tới.

Mô hình trồng cam ở xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, Lạng Sơn
Mô hình trồng cam ở xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, Lạng Sơn

Còn tại Tuyên Quang, năm 2019, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn, xã Phú Thịnh, xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn) triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn mán) theo hướng an toàn sinh học. Sau 01 năm triển khai mô hình, cán bộ khuyến nông đã tập huấn, hướng dẫn cho trên 80 lượt người; tổ chức tham quan, tổng kết cho 150 lượt người tham gia. 

Theo đánh giá của bà con nông dân tham gia mô hình, giống lợn đưa vào mô hình là giống có khả năng thích nghi tốt, kháng bệnh cao, nuôi con khéo. Lợn mán có giá trị kinh tế cao từ 1,5 - 2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại trên địa bàn và có chất lượng thịt thơm ngon.

Ông Tạ Kim Huế, thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh cho biết, việc chăm sóc giống lợn bản địa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như: rau lang, cây chuối, sắn, ngô, cám gạo... Hiện nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông duy trì nuôi 7 - 9 lợn nái, 01 con lợn đực và trên 20 con lợn thịt; thu nhập từ mô hình nuôi lợn mỗi năm đạt từ 70 - 80 triệu đồng.

Mặc dù khả năng tăng trọng và sinh sản thấp, trọng lượng cơ thể nhỏ, nhưng lợn bản địa có nhiều ưu thế về khả năng chống chịu thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, ít bệnh dịch, chịu được chế độ ăn kham khổ, đặc biệt là chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Thêm vào đó, đầu tư nuôi lợn bản địa, người nông dân không lo mất giá.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi từ giống bản địa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Với Luật Chăn nuôi 2018 và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 mới được ban hành, các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt từ giống bản địa sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.


Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là địa điểm được khảo sát và lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Phát triển mô hình làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH vùng đồng bào DTTS và miền núi”, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý.