Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

"Xây đường băng" cho du lịch Gia Lai "cất cánh"

Lê Trọng Sáng - 14:00, 08/05/2021

Nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, Gia Lai là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên như Gia Rai, Ba Na… Những nét đặc trưng riêng biệt trên vùng đất đỏ ba-zan này đã làm nên sự hấp dẫn du khách mà ít nơi nào có được.

Biển Hồ Gia Lai.
Biển Hồ Gia Lai.

Gia Lai còn là cái nôi của không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, tiềm năng du lịch của tỉnh là rất lớn. Hiện nay, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Gia Lai đang tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành các điểm du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Về du lịch sinh thái, tỉnh Gia Lai có 2 khu vực rừng nguyên sinh lớn là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đang đề nghị để được công nhận là Khu sinh quyển thế giới. Hai khu vực rừng nguyên sinh này với đa dạng động, thực vật và các thác nước tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa. Đồng thời, Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch là Khu du lịch quốc gia rộng trên 6.000 ha; các ngọn núi lửa âm và dương như: Hàm Rồng, Chư Đăng Ya, Biển Hồ; các thác nước thiên nhiên thơ mộng, hấp dẫn như: thác Phú Cường, thác Mơ, thác Chín Tầng... tạo nên những thắng cảnh hấp dẫn, làm say đắm lòng người.

Cùng với đó, các di tích khảo cổ nổi tiếng xác định niên đại loài người ở Việt Nam có ở Gò Đá, Rộc Tưng (thị xã An Khê) với trên 80 vạn năm; quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo; các di tích: Tượng đài chiến thắng Đắk Pơ, Nhà lao Pleiku, Quốc môn (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) và các công trình nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí ở huyện Đắk Đoa đang được triển khai... sẽ là những công trình lịch sử, văn hóa độc đáo phục vụ cho phát triển du lịch. Các công trình tâm linh như: Tượng Phật Bà ở Biển Hồ, chùa Minh Thành, Thiền Viện Trúc Lâm, Nhà thờ Thăng Thiên, Thánh Tâm... và các công trình kiến trúc tôn giáo khác sẽ là những điểm nhấn độc đáo cho du lịch tâm linh gắn với chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử…

Bên cạnh những loại hình du lịch trên mà Gia Lai đã và đang đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thì loại hình du lịch Homestay cũng được chú trọng phát triển; đặc biệt kết hợp các loại hình quy mô lớn như: Khu phức hợp sân Golf Đắk Đoa; Khu văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng Núi Đá; Khu đô thị sinh thái Trà Đa; các khu khách sạn, dịch vụ trong trung tâm TP. Pleiku và các thị xã… Gia Lai còn đang tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch.

Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong lộ trình phát triển, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở các làng như: Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), làng Ốp (TP. Pleiku), làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah), làng Kon Mahar, làng Kon Pơdram (xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa), làng Vai Viêng (xã Ayun, huyện Mang Yang), làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai), làng nghề truyền thống xã Glar (huyện Đắk Đoa).

Để phát triển DLCĐ, cần phải song song phát triển du lịch văn hóa tâm linh với các lễ hội, có như vậy mới giữ được những bản sắc đặc trưng của từng vùng, miền. Mô hình DLCĐ là mục tiêu phát triển du lịch bền vững mà tỉnh Gia Lai hướng tới nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch gắn với công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đối với phát triển sản phẩm phục vụ du lịch, Gia Lai đang tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, có thế mạnh nổi trội. Ưu tiên phát triển DLCĐ gắn với du lịch xanh. Tập trung đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm tiêu điểm. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.