Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Xên bản, Xên mường – Lễ hội mang ước nguyện về cuộc sống ấm no của đồng bào Thái

Tào Đạt - Hải Yến - 06:47, 11/04/2024

Lễ hội Xên bản, Xên mường là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng, được cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Sơn La lưu giữ qua nhiều đời. Nghi thức tâm linh này mang đậm tính nhân văn, thể hiện khát vọng về một cuộc sống an lành và mong muốn mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, nảy nở.

Lễ hội Xên bản, Xên mường là một nét văn hóa đẹp của đồng bào Thái
Lễ hội Xên bản, Xên mường là một nét văn hóa đẹp của đồng bào Thái

Trao đổi với báo chí, ông Lù Văn Định, nghệ nhân, thầy mo dân tộc Thái của tỉnh Sơn La cho biết, đối với đồng bào dân tộc Thái, ông trời (Pu Then), luôn được coi là vị thần quan trọng có ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến đời sống con người và cộng đồng. Vì thế, tục cúng trời, cúng đất, cúng mường, bản là nét sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào.

Do đó, đến độ cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hàng năm, lúc này hoa ban bắt đầu nở, đồng bào Thái sẽ tổ chức lễ Xên bản, Xên mường nhằm tạ ơn Pu Then, các thần linh thổ địa, Pú mường, Pú bản (những người đầu tiên xây dựng nên bản mường) và tổ tiên… đã mang đến cuộc sống no ấm, bình yên cho con cháu, dân làng. Đồng thời, cầu mong bà con bản, mường luôn khỏe mạnh, mùa màng bội thu, bình an, ấm no, hạnh phúc.

Thầy mo thực hiện các nghi lễ, cầu cho bản làng ấm no, mùa màng bội thu
Thầy mo thực hiện các nghi lễ, cầu cho bản làng ấm no, mùa màng bội thu

Theo thầy mo Lù Văn Định, lễ Xên bản, Xên mường được tổ chức tại miếu của mường (một mường ngày xưa là cả một vùng rộng lớn, tương đương một huyện hoặc vài ba xã bây giờ). Trước khi lễ hội diễn ra, các bản trong vùng cử Người có uy tín đại diện cho bản để họp thống nhất thời gian tổ chức và chọn ra chủ lễ (Chảu sửa), thầy mo, thầy phăn và phân bổ đóng góp của từng bản.

Sau đó, toàn mường làm cuộc tổng vệ sinh làng bản, sửa sang miếu cho đẹp hơn, sáng sủa hơn và chuẩn bị lễ vật để dâng cúng gồm: Trâu, lợn, gà do nhân dân góp lại. Lễ vật dâng cúng tế tùy theo tình hình kinh tế của bản do người đứng đầu bản và các gia đình trong bản bàn bạc quyết định “xên” to hay nhỏ. Dân chúng trong, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của bản.

Đổi với đồng bào Thái, lễ hội này có ý nghĩa rất quan trọng
Đổi với đồng bào Thái, lễ hội Xên bản, Xên mường có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống

Đầu giờ sáng ngày diễn ra lễ hội, thầy mo thắp một nén hương tại cò lò hóng (bàn thờ tại nhà sàn khu nhà Thái) để kính xin các vị thần linh, tổ tiên về chứng giám và chờ giờ tốt để tiến hành lễ cầu an. Sau đó thầy mo chỉ đạo các thành viên trong bản, những người giúp việc cho thầy cúng, người mổ lợn, gà, vịt, cá và chọn 4 người con gái khéo tay, xinh đẹp để nướng cơm lam, đồ xôi.

Sau đó, thầy mo cùng với 4 chàng trai khỏe mạnh dọn dẹp khu vực cúng, lập bàn thờ (đan bằng tre) để chuẩn bị cho lễ cầu an.

Lễ vật được đồng bào Thái chuẩn bị để dâng lên các vị thần linh trong lễ hội
Lễ vật được đồng bào Thái chuẩn bị để dâng lên các vị thần linh trong lễ hội

Lễ vật đã được chuẩn bị xong sẽ được đặt lên mâm, đưa đến địa điểm để tổ chức lễ cầu an. Dẫn đầu là thầy mo mặc áo dài mầu đen chít khăn đỏ trên mình đeo một chiếc túi Thái; trong đó gồm có dao, mai rùa, sách cúng (bằng chữ Thái cổ) và một số những đồ vật để phục vụ cho lễ cúng; phía sau là trưởng bản, trưởng dòng họ, bà con trong bản quỳ lễ.

Thầy mo rút gươm đặt cạnh mâm cúng, thắp hương và rót rượu ra các chén, rồi thầy mo lấy một nắm gạo cho vào lòng tay trái và dùng tay phải ném đi bốn phía trong không khí trang nghiêm, linh thiêng, thầy mo trang trọng đọc bài cúng đã thông thuộc bằng tiếng dân tộc Thái. 

Thầy mo mời Pu Then, mời các linh hồn những người có công với bản, chủ nguồn nước lớn (Chảu nặm luông), thần đất (Chảu địn), thổ công thổ địa, phị bản, phị mương... về nhận lễ vật dùng cỗ, vui vẻ với cộng đồng dân cư của bản. Đồng thời cầu mong tổ tiên thần linh ban phúc, phù trợ cho bản bình yên, làm ăn suôn sẻ, con người khỏe mạnh, ngô lúa sinh sôi…

Nhiều hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội
Nhiều hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội

Tiếp theo, thầy mo ném nắm cơm nhỏ, một chút gạo sống xuống nguồn nước. Mời các thần linh, tổ tiên trở về nơi trú ngụ. Thầy mo lấy các chén rượu trên mâm cúng vẩy ra xung quoanh với tâm niệm xua đi nhưng điều không lành không may mắn.

Khi lễ cầu an kết thúc, thầy mo, trưởng bản, trưởng họ... ăn làm phép ở mâm cỗ chính, rồi đi từng mâm; ở mỗi mâm các ông ăn một miếng thịt, uống một hớp rượu. Kế đó, cả bản mường ăn uống vui vẻ cho bằng hết các mâm, không được bỏ thừa hay đem về.

(ẢNH đã sửa chưa BT) Xên bản, Xên mường – Lễ hội mang ước nguyện về cuộc sống ấm no của đồng bào Thái 5
Các hoạt động múa hát, trình diễn trong lễ hội giúp thắt chặt hơn tình đoàn kết trong dòng họ, bản làng, dân tộc
Các hoạt động múa hát, trình diễn trong lễ hội giúp thắt chặt hơn tình đoàn kết trong dòng họ, bản làng, dân tộc

Sau phần nghi thức là phần hội với nhiểu trò chơi dân gian truyền thống và sinh hoạt văn hóa văn nghệ của đồng bào như hát khắp, thổi pí, ném còn, nhảy sạp, múa xòe...

Lễ Xên bản, Xên mường là một ngày hội cộng đồng dân tộc Thái, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào. Qua lễ hội thắt chặt hơn tình đoàn kết trong dòng họ, bản làng, dân tộc, đồng thời lễ hội cũng là dịp để ôn lại truyền thống, bảo lưu di sản văn hoá dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.