Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xếp giáo án… lên đường chống dịch

Khánh Ngân - 09:48, 28/06/2021

Trên đường, tôi đã nung nấu bao tiêu đề cho bài báo của mình - về những nhà giáo tham gia chống dịch. Nhưng rồi, giữa nắng hè rát bỏng, chứng kiến những sẻ chia lặng thầm của họ với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, tôi lại mường tượng đến hình ảnh xưa cũ về những nhà giáo xếp "bút nghiên" ra trận. Hôm nay, họ cũng ra trận đẩy lùi, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Hơn 100 giáo viên ở thành phố Vinh đã có mặt tại các chốt trực chống dịch trong những ngày thành phố thực hiện Chỉ thị 16
Hơn 100 giáo viên ở thành phố Vinh đã có mặt tại các chốt trực chống dịch trong những ngày thành phố thực hiện Chỉ thị 16

Ghi từ “điểm nóng”

“Chia lửa” cùng lực lượng tuyến đầu, tranh thủ ngày hè được nghỉ, thầy giáo Phùng Ngọc Thạch, Giáo viên Trường THCS Nghi Kim, thành phố Vinh đã xung phong tham gia trực chốt. Nơi thầy Thạch góp sức chống dịch, là chốt phòng dịch số 3 tại cung đường Quốc lộ 1 - giao nhau với Bệnh viện Phổi Nghệ An. Có thêm thầy Thạch, những người trực chốt đã có thêm những phút giây dễ thở hơn…

Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, thực hiện tốt 5K, thầy Thạch bắt đầu hành trình sẻ chia lặng thầm như những kiến thức mà thầy đã truyền cho học trò qua trang giáo án. Chốt phòng dịch số 3, được xem là “nóng” nhất so với 13 chốt còn lại ở thành phố Vinh bởi lượng người và phương tiện hàng ngày qua lại rất đông.

Ba ngày trực chốt chống dịch cùng các lực lượng, thầy Thạch càng thấm hơn sự vất vả và tin rằng, quyết định tình nguyện đi chống dịch của mình là hoàn toàn đúng đắn. Thầy Thạch trải lòng: Vợ tôi vừa sinh cháu gần 1 tháng nên ban đầu cũng có sự phân vân. Nhưng dịch đang kéo dài, công việc chống dịch sẽ còn rất khó khăn. Tôi nghĩ, mình cố gắng một tý sẽ góp được thêm một phần nhỏ chống dịch.

Bởi tính chất đặc biệt nằm án ngữ cửa ngõ phía Bắc thành Vinh, nên chốt số 3 có đến 9 giáo viên tăng cường. Thế rồi mỗi ngày, các thầy chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 2 – 3 người và thay nhau trực chốt 24/24h. Nắng trên đầu dội xuống, hơi nóng từ dưới đất hầm hập, phả lên khiến những bàn tay chỉ quen với cây bút, viên phấn trở nên đen cháy. Trên gương mặt sạm nắng, mồ hôi thấm ướt qua hai lớp khẩu trang.

Thầy giáo Đậu Văn Tuyên, giáo viên Trường THCS Trường Thi (thành phố Vinh) kể: Mỗi ngày, có hàng trăm xe đường dài chạy tuyến Bắc Nam đều đi qua chốt này,  nhiệm vụ các thầy là kiểm soát chặt chẽ xe đi qua vùng dịch. 'Trước khi ra vùng dịch cũng đã biết sẽ vất vả, nhưng mình may mắn còn được về nhà hàng ngày. Công việc của chúng tôi chưa thấm vào đâu so với các lực lượng khác ở tuyến đầu chống dịch…", thầy Tuyên chia sẻ

Có một lá đơn… thấm đẫm trách nhiệm

Trong số những thầy cô giáo có mặt tại những chốt trực dịch của thành Vinh hôm nay, rất nhiều người đã sẵn sàng nhận lệnh vào vùng khó, trong khi chính hoàn cảnh của gia đình cũng lắm nỗi niềm. Thầy giáo Trần Tiến Thành, Trường Tiểu học Đội Cung, mới rời huyện rẻo cao Kỳ Sơn để đoàn tụ với gia đình. Dù vậy, vợ thầy vẫn đang ở lại cắm bản tại xã Mường Típ (Kỳ Sơn). Nhà 3 người con, con út còn nhỏ, nhưng khi có thông báo tăng cường nhân lực cho các chốt phòng dịch, thầy Thành đã tình nguyện xung phong bởi “trường chủ yếu là giáo viên nữ, mình không đi thì biết ai gánh vác”…

Thầy Phùng Ngọc Thạch (Phải) hỗ trợ lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ người dân qua chốt
Thầy Phùng Ngọc Thạch (bên phải) hỗ trợ lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ người dân qua chốt

Tại chốt kiểm soát nằm trên Tỉnh lộ 535, giáp ranh Nghi Đức - Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) có thầy Hồng Cảnh An tham gia trực chốt. Thầy An là một trong hai giáo viên của Trường THCS Hưng Lộc có mặt trong đoàn quân giáo viên “ra trận” chống dịch lần này. Thầy An tâm sự: Mình rất tự hào vì được có mặt ở tuyến đầu, góp sức cùng các lực lượng chống dịch.

“Công việc của chúng tôi chỉ mang tính chất hỗ trợ, không quá nặng nhọc. Vất vả hơn vẫn là lực lượng chức năng. Chúng tôi cũng không biết mình sẽ thực hiện nhiệm vụ đến lúc nào, nhưng anh em xác định, khi nào thành phố hết lệnh phong tỏa thì mình mới nghỉ”, nhiều thầy giáo đã quả quyết với chúng tôi như vậy.

Tuổi đời còn khá trẻ nên trong các giáo viên được tăng cường, hầu hết đều có con nhỏ, có những người mà cả hai vợ chồng đều đang ở tuyến đầu chống dịch. Trong số này cũng có những giáo viên nữ; hoặc các nhân viên y tế được tăng cường cho các khu cách ly như chị Lê Thị Thanh Hà, nhân viên y tế Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2. 

Chị Hà  tham gia trực chốt tại cầu Bến Thủy 1 từ ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Chị cho hay: Tôi và một đồng nghiệp khác ở Trường Tiểu học Trường Thi cùng trực với nhau, nhưng khối lượng công việc vẫn quá tải. Mỗi ngày trực 2 ca, ca ngày thì nắng nóng, ca đêm thì căng thẳng. Nhưng so với lực lượng tuyến đầu trong ngành-liên tục mặc đồ bảo hộ thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân... thì chúng tôi vẫn còn nhẹ việc hơn.

Lá đơn tình nguyện của cô Nguyễn Thị Hoài Thanh
Lá đơn tình nguyện của cô Nguyễn Thị Hoài Thanh

Đáng quý hơn nữa, cách thành Vinh chừng 70km, có một nhà giáo đã viết đơn tình nguyện hỗ trợ lực lượng chống dịch tại địa phương bằng việc nấu cơm, đưa cơm mỗi ngày. Cô còn đứng ra kết nối, kêu gọi mọi người góp sức chống dịch bằng những chai nước, cân gạo, hộp bánh… Cô là Nguyễn Thị Hoài Thanh, Hiệu trưởng trưởng Trường mầm non Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An). 

 “Dịch bệnh phức tạp, là một công dân, mình không thể đứng ngoài cuộc được. Tôi viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch là muốn sẻ chia một phần khó khăn, vất vả cho những lực lượng tuyến đầu”, cô Thanh chia sẻ

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.