Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Yên Bái: Những kết quả tích cực từ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc

Văn Hoa - CĐ - 12:39, 28/09/2021

Yên Bái có 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, với bức tranh văn hóa nhiều màu sắc. Những năm qua, bằng nhiều nỗ lực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và đồng bào các dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, qua đó góp phần nâng đời sống văn hóa tinh thần, vật chất cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)
Truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)

Kết quả từ công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa

Những năm qua, từ những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành văn hóa; sự tham gia của thống chính trị và cộng đồng các dân tộc, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Yên Bái, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. 

Theo đó, các giá trị văn hóa của các dân tộc như: trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống… được chú trọng khôi phục và phát huy. Từ năm 2016-2020, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở, phối hợp với các địa phương, triển khai thực hiện bảo tồn 21 di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn và duy trì hoạt động các làng nghề truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch.  

Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Yên Bái đã chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, danh thắng các cấp. Tính đến tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh có 118 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp. Hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích đảm bảo đúng tiến độ, theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.

Việc kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Tỉnh Yên Bái hiện có 714 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 04 di sản văn hóa được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên hoàn thiện Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình Unesco ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhằm lưu giữ sách cổ của các dân tộc, thư viện tỉnh Yên Bái đã phục chế sách cổ của các dân tộc, số hóa 143 tài liệu với 9.695 trang, tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ sưu tập số để lưu giữ và đưa ra phục vụ bạn đọc với 02 bộ tài liệu (tài liệu Hán Nôm và tài liệu chữ Thái cổ) tại địa chỉ website: Thuvientinhyenbai.gov.vn. Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã sưu tầm và hiện đang lưu giữ hơn 200 cuốn sách cổ của người Dao và người Thái, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các DTTS. Năm 2019, Sở VHTT&DL đã phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTT&DL), tổ chức Hội nghị tập huấn Bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với dân tộc có nguy cơ mai một cao tại tỉnh Yên Bái.

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi mới thu được nhiều kết quả tích cực. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)
Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi mới thu được nhiều kết quả tích cực. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)

Chú trọng phát huy bản sắc văn hóa trong đời sống 

Thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, qua 02 lần xét tặng, tỉnh Yên Bái đã có 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.  Thực hiện Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với “Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú” có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, toàn tỉnh đã có 6 nghệ nhân được hỗ trợ theo quy định.

Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS được gắn với phát triển đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các DTTS, các chương trình giao lưu giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của các DTTS. Sở VHTT&DL đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái (định kỳ 02 năm/lần).

Từ năm 2019, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công chương trình Sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái” tại Hà Nội, trong đó giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Mông qua các hoạt động như: Trình diễn các trích đoạn lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực, triển lãm ảnh về Yên Bái.

Về Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) những ngày này, sẽ cảm nhận được niềm vui, phấn khởi của đồng bào Phù Lá khi đón nhận công trình nhà văn hóa cộng đồng khang trang mới được xây dựng tại thôn Ngòi Nhầy để sinh hoạt, giao lưu.

Đây là công trình thuộc Dự án bảo tồn làng truyền thống dân tộc Phù Lá ở xã Châu Quế Thượng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) là chủ đầu tư. Bên cạnh Nhà văn hóa cộng đồng tại thôn Ngòi Nhầy, còn có dự án bảo tồn nhà ở dân cư kết hợp phục vụ du lịch. Các công trình trên có ý nghĩa rất lớn nhằm bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Phù Lá, được Nhân dân phấn khởi đón nhận.

Tại Nghĩa Lộ, nhờ sự định hướng, hỗ trợ từ các cấp ủy, chính quyền, sự hướng dẫn của Sở VHTT&DL, đồng bào dân tộc Thái đã nêu cao ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục, kiến trúc nhà sàn truyền thống, các làn điệu dân ca, điệu múa… để giới thiệu tới khách du lịch. Nhờ đó, người dân có thêm nguồn thu nhập, có nhiều hộ thu hàng trăm triệu mỗi năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. 


Múa thuồng luồng trong lễ hội của dân tộc Khơ Mú. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)
Múa thuồng luồng trong lễ hội của dân tộc Khơ Mú. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)

Tiếp tục thực hiện các giải pháp

Để công tác bảo tồn văn hóa các DTTS đạt hiệu quả hơn nữa, theo bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái, ngành VHTT&DL tỉnh Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp như, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, khích lệ Nhân dân các DTTS trong tỉnh giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc.

 Tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương, nhất là bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS thông qua hình thức tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, có sử dụng tiếng nói, chữ viết các DTTS gắn với các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển du lịch tại các địa phương.

Tiếp tục thực hiện kiểm kê, đánh giá thực trạng các di sản văn hóa của các dân tộc tại địa phương; Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các DTTS gắn với phát triển du lịch;Tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục thực hiện Dự án bảo tồn văn hóa các DTTS theo chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. Tiếp tục phát huy hiệu quả của Dự án bảo tồn làng truyền thống dân tộc Phù Lá, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Tham gia hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc khu vực và toàn quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tối 25/4, tại Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh Kon Tum và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây.