Lễ hội đình Động Sơn được tổ chức vào 2 ngày lễ chính trong năm là ngày 2/2 và 2/6 âm lịch. Trong đó có những nghi lễ: cúng, tắm lửa và múa dân gian của đồng bào dân tộc Cao Lan. Đặc biệt nghi lễ tắm lửa, dành cho các chàng trai Cao Lan. Nghi lễ này thể hiện một chàng trai đã đủ trưởng thành, đủ sức mạnh để che chở cho gia đình, bản làng và thôn xóm.
Đây là các lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan. Phần lễ được tổ chức cúng tế trong đình theo nghi thức cổ truyền do những bậc cao niên, có uy tín trong dòng họ dân tộc Cao Lan trực tiếp dâng lên với những đặc sản của địa phương, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Phần hội diễn ra các màn hát múa truyền thống của dân tộc Cao Lan, trò chơi dân gian, thu hút hàng nghìn lượt người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Ngoài các trò chơi dân gian, một hoạt động văn hóa mang nét đặc trưng riêng của người Cao Lan không thể thiếu trong lễ hội là hát Sình ca. Hát Sình ca trong lễ hội đình Động Sơn ở xã Chân Sơn chủ yếu dành cho nam nữ thanh niên được chia thành nhiều tập hát. Những tập đầu là hát làm quen nhau, sau đó là hát để đánh giá sự hiểu biết của nhau, từ đó mới đi đến tỏ tình, giao duyên.
Việc phục dựng lễ hội truyền thống đình Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Cao Lan, thực sự góp phần xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng các dân tộc xã Chân Sơn. Lễ hội đình Động Sơn đã thực sự trở thành lễ hội vùng, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người Cao Lan mà là một hoạt động văn hóa cho nhiều dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang.