Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

A Pa Chải - Nơi sơn cùng thủy tận...

Trương Hữu Thiêm - 11:00, 07/04/2023

Tôi đã gặp ở A Pa Chải những buổi chiều tiêu sơ lúc hoàng hôn mờ dần trên các dãy núi miền quan tái trập trùng - những buổi chiều sơn khê cô liêu chưa xa mà đã nhớ, đã nghe lòng day dứt nỗi sinh ly... Nếu bạn từng nghe ở đâu đó về cụm từ “ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào” hoặc nơi “một tiếng gà ba nước nghe chung”, thì đó là bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Cột mốc ngã ba biên giới ở A Pa Chải
Cột mốc ngã ba biên giới ở A Pa Chải

Dù không sinh ra tại A Pa Chải (địa danh tột cùng nằm ở phần đất giáp ranh giữa ba quốc gia: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), nhưng là người làm báo lâu năm ở địa phương, đã có không ít lần lên A Pa Chải; khi thì đi viết báo, khi du ngoạn với bạn bè, cả những lần rong ruổi cùng các đoàn từ thiện khắp trong Nam ngoài Bắc. Thành thử, sau mấy chục năm cầm bút, tôi coi vùng đất biên viễn này như quê hương thứ hai của mình. Tôi nhớ từng gương mặt chất phác và khắc khổ của người dân Hà Nhì ở A Pa Chải, “thuộc” từng con đèo gió hú nghe lạnh sống lưng, từng khúc cua chóng mặt trên con đường xuyên sơn lên cửa khẩu Tả Long San (mốc quốc gia A Pa Chải).

Tôi đã gặp ở A Pa Chải những buổi chiều tiêu sơ lúc hoàng hôn mờ dần trên các dãy núi miền quan tái trập trùng - những buổi chiều sơn khê cô liêu chưa xa mà đã nhớ, đã nghe lòng day dứt nỗi sinh ly. Tôi đã gặp ở A Pa Chải những đêm giã bạn với vòng xòe có lửa cháy nồng nàn trong mắt, lửa cháy trong câu dân ca Hà Nhì em hát lúc rót rượu cho tôi. Thì lửa cứ cháy mãi đi, thì em cứ hát nữa đi và tôi sẽ uống cả những nụ cười sơn cước em rót lẫn vào đáy bát, dù biết trước rằng chỉ lát nữa thôi tôi sẽ say đến mụ mị lối về.

Chương trình khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân, do Quân khu 2 thực hiện, tại xã Sín Thầu, đầu tháng 3/2023.
Chương trình khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho Nhân dân tại xã Sín Thầu, đầu tháng 3/2023, do Quân khu 2 thực hiện,.

Trên con đường tuần tra cùng các chiến sĩ Đồn biên phòng 317 - A Pa Chải (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên), chúng tôi đi trong bồng bềnh mây bay, trong vi vu gió thổi, trong cảm xúc rưng rưng thức dậy từ tứ thơ trữ tình của Nguyễn Bính: “Tôi đi mãi mãi vào sơn cước /Em vuốt tua rèm cửa vọng lâu /Lá úa kinh thành rơi ngập đất /Lòng vàng hỏi vẫn nhớ thương nhau?”.

Phải lên đây mới thấm thía cái cảm giác giữa đại ngàn bao la huyền bí, con người ta bé nhỏ, yếu đuối và cô đơn đến nhường nào; mới hiểu hết ý nghĩa của các thành ngữ: “Rừng thiêng nước độc”, “Sơn lam chướng khí”, “Muôn núi nghìn khe”, “Sơn cùng thủy tận”...

Các cụ già người Hà Nhì kể rằng, cách đây chừng trên dưới 50 năm, phải là nam giới và cũng chỉ những ông thật bản lĩnh, thật can trường mới dám một mình làm cuộc độc hành trên con đường này. Chả thế mà hiện giờ tại khu vực ngã ba, vẫn còn đó những địa danh dân gian nghe rờn rợn: “Dốc Mai Linh”, “khe Hai Bà Cháu”... Đấy là các nạn nhân từng làm mồi cho những “ông ba mươi” một mắt, những “chàng” gấu đực 3 chân mò vào tận bản tấn công con người, những “bà mẹ” lợn lòi đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ nên hung dữ một cách đáng sợ...

Vùng quê A Pa Chải nhìn vào đâu cũng thấy đá
Vùng quê A Pa Chải nhìn vào đâu cũng thấy đá

Sau những chuyến ngược ngàn đáng nhớ ấy, nhiều năm rồi lúc nào tôi cũng đau đáu muốn viết một cái gì đó về đá, phải, chỉ về đá mà thôi. Nhưng không phải về những tảng đá đủ đôi như vợ có chồng, càng không phải những khối đá lẻ loi như nỗi niềm chinh phụ đợi chinh phu. Mà là rất nhiều đá, tầng tầng lớp lớp, như thể ngoài đá ra thì không biết nên bắt đầu từ đâu cho câu chuyện hấp dẫn hơn, tự nhiên hơn.

Người Hà Nhì làm nhà trên đá, gieo trồng trên đá, yêu thương trên đá và lời nguyền truyền kiếp cũng nói với nhau bên những tảng đá thô ráp phủ kín rêu phong...

Đúng vậy, vùng quê ấy nhìn vào đâu cũng thấy đá. Đá chen chúc dưới lòng suối như những thực thể cạnh tranh sinh tồn, đá từ hè ra sân, từ sân vào bếp, từ nhà nọ sang nhà kia và từ bản anh sang bản em. Khúc ca ngày Tết Có Nhẹ Chà người Hà Nhì hát trên tầng tầng đá phiến, cả nồi bánh chưng cũng được nấu trên những cục đá xù xì, gan góc. Một trăm năm nay vẫn thế, một nghìn năm nay và một triệu năm nay vẫn thế; đá với người chấp nhận nhau trong cuộc sống còn bộn bề gian khó, nơi biên cương yêu dấu xa lắc xa lơ.

Nồi bánh tết cổ truyền Khù Nhẹ Chà của người Hà Nhì được nấu trên những hòn đá.
Nồi bánh tết cổ truyền Khù Nhẹ Chà của người Hà Nhì được nấu trên những hòn đá.

Ngày tiễn con đi làm dâu nhà người, mẹ ra đầu bản tựa lưng vào phiến đá nhìn theo cho đến khi bóng con khuất sau tảng đá cuối bản. Chỗ mẹ đứng khóc giọt nước mắt rơi xuống tảng đá, bây giờ chỉ cần búng nhẹ ngón tay vào là rung lên như cung thương hòa âm của tu-huý, nát-xi và cả âm thanh như cứa vào lòng nhau của đàn nét-đu 4 dây cổ truyền của người Hà Nhì. Còn bố, là đàn ông nên bố can đảm hơn, bố bảo mẹ khóc làm gì cho thêm nặng bước chân con - bước chân người con gái Hà Nhì - A Pa Chải vốn đã như đá núi buộc vào, trước lúc gửi phận trao thân cho một chàng trai ngoại tộc.

Bản A Pa Chải nằm dưới chân núi, nơi có những mái ngói xô nghiêng do thời gian cùng sự khắc nghiệt của nắng mưa dầu dãi biên thùy. Ở đây có những cuộc đời mưa nắng tảo tần, có những bản trường ca dài như suối, chát như sung và đắng như mối hận chia lìa ngày cha ông đi tìm đất lập bản. A Pa Chải còn nghèo, rượu không thật thơm và hoa không thật thắm, nên chỉ một chút mây bay và mấy cánh chim chiều cũng đủ làm thổn thức lòng người. Chỉ tiếc là tôi vụng về, nên câu thơ không đủ mặn mòi như giọt mồ hôi của mẹ lúc mùa vụ vội vàng, không đủ sóng sánh như ánh mắt của em, ngày hai đứa yêu nhau mà không dám ngỏ lòng mình.

Lối mở A Pa Chải (Việt Nam) - Long Phú (Trung Quốc) trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc
Lối mở A Pa Chải (Việt Nam) - Long Phú (Trung Quốc) trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Xin mời bạn bốn phương hãy bớt chút thời gian lên A Pa Chải, để tự mình cảm nhận một điều rằng tại sao cách đây 69 năm (1954 - 2023), cố nhà thơ Chế Lan Viên từng viết những câu song thất lục bát trĩu nặng nỗi niềm: “Quê em nhỏ bốn bên khe suối/Người vắng qua, chim tới chim lui/ Khi vui, ngắm núi làm vui/ Khi buồn, nhặt trái sim rơi đỡ buồn”...

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.