Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Ẩm thực Lai Châu níu chân du khách

Vũ Nguyên - 21:50, 07/12/2021

Đến Lai Châu, không thể không thưởng thức các món ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, Hà Nhì, Mông, Dao… Mỗi dân tộc có cách chế biến và sử dụng gia vị khác nhau, song đều đem lại cho món ăn hương vị khác lạ, phảng phất nét đặc trưng của vùng cao Tây Bắc. Dư vị đậm đà của mỗi món ăn sẽ níu chân du khách mỗi khi có dịp ghé qua.

Đồ xôi nếp trong dịp lễ hội ở vùng cao Lai Châu
Đồ xôi nếp trong dịp lễ hội ở vùng cao Lai Châu

Dân tộc Mông ở các xã vùng cao Lai Châu thường mổ lợn để ăn tết. Những loại thịt ngon nhất dành để nấu ăn, mời khách dịp tết còn những miếng thịt mỡ và ba chỉ thì thường ướp muối và hun khói để ăn dần. Dân tộc Mông ở xã Xà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ), xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) có bí quyết nấu rượu ngô men lá say lịm, hạ thổ vài năm. Dịp tết, chỉ cần bắc chảo thắng cố với vò rượu ngô, chủ - khách đã có thể chạm chén và tâm sự cả buổi về những việc đã làm được trong năm.

Đến với dân tộc Thái ở xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu), du khách được tận mắt xem các mế tìm thân tre làm cơm lam, những chàng trai vạm vỡ quăng chài bắt cá bên suối. Em gái nhỏ nhanh tay giã mắc khén làm “chẩm chéo” và khéo léo mổ, nhồi rau thơm vào bụng cá rồi dùng kẹp tre nướng trên than hồng, mùi cá nướng thơm nức cả gian bếp. Ngoài món cá nướng “pa pỉnh tộp” nổi danh, còn có cả món cá bống vùi gio bếp. Cá bống nhỏ sống nơi lạch suối có thớ thịt ngọt mềm, thơm ngon. 

Cá bống suối được ướp trước khi cuốn lá vùi gio nướng.Ảnh: Ngọc Thắng
Cá bống suối được ướp trước khi cuốn lá vùi gio nướng.Ảnh: Ngọc Thắng

Và ở miền đất này, không thể không kể đến vị mát ngọt của bát canh rêu và món rêu nướng. Rêu phải là loại được lấy ở các dòng nước chảy trong vắt nơi thượng nguồn con suối. Các bà, các chị đập rêu trên tảng đá nhẵn bên suối cho đến khi rêu hết sỏi, sạn rồi rửa lại nhiều lần. Sau đó rêu được xé tơi, nấu thành canh hoặc ướp mắc khén, tỏi, ớt, gừng, sả, lá chanh và gói trong lá dong đem nướng. Thực khách lần đầu thưởng thức thì lạ miệng, ăn quen sẽ “nghiền” lúc nào không biết. Những ống cơm lam cũng làm say lòng du khách và ngon hơn khi ăn với món “nặm pịa” (lòng cá) nấu. Mỗi món một hương vị, tạo thêm nét độc đáo trong ẩm thực của dân tộc Thái.

Món ăn từ rêu của dân Thái ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Ngọc Thắng.
Món ăn từ rêu của dân Thái ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Ngọc Thắng.

Từ huyện Phong Thổ, quý khách nên đi tiếp đến cao nguyên Sìn Hồ. Trong không khí mát mẻ của vùng đất cao hơn 1.500m so với mực nước biển, khách sẽ được gia chủ mời thưởng thức bữa cơm của dân tộc Dao với nhiều món ăn đặc sắc như: Thịt gà nấu canh gừng, đậu phụ nhồi thịt băm rán vàng; gạo nếp, tiết sống, bột thảo quả trộn đều rồi nhồi vào lòng lợn sau đó mang đi luộc. Ngoài ra còn có các món bánh được làm kỳ công như: Bánh chưng đen, bánh mật...Bánh chưng là món ăn không mới nhưng các dân tộc ở Lai Châu khéo léo ướp thêm vị thảo quả vào nhân bánh đem lại mùi vị rất lạ với người thưởng thức. 

Còn nếu đến với huyện Mường Tè, các cô gái Hà Nhì lại trổ tài bằng món thịt lợn luộc giã cùng lá chua chát, món thịt trâu, thịt bò sấy trên gác bếp, sau đó ủ tro nướng, đập xé thớ uống rượu để lại hương vị đặc trưng riêng của vùng đất xa xôi. Dòng sông Đà nước chảy xiết nổi tiếng với giống cá lăng nấu canh chua tuyệt ngon, càng ngon hơn nếu chủ nhà hiếu khách trổ tài làm món gỏi cá chiêu đãi khách.

Nếu như dân tộc Hà Nhì có món thịt lợn giã cùng lá chua chát thì dân tộc Hoa lại có món “khổ nhục” được làm từ thịt lợn thái miếng to bản, ướp gia vị ninh nhừ. Các dân tộc cũng ưa chuộng món thịt sấy khô từ: sóc, nai, trâu, ngựa; thịt lợn hun khói, xúc xích. Ngoài ra, còn có các món ăn lấy từ trên nương, rẫy như: măng đắng luộc, măng chua, nấm hương, mộc nhĩ...

Chị Lò Thị Thanh Yên (TP. Lai Châu) chia sẻ rằng, từ thuở bé, chị thường xuyên được mẹ chế biến món ăn này trong gia đình. Bây giờ, khi Facebook phát triển mạnh, chị dùng phương tiện thông tin hữu ích ấy đưa món ăn lên mạng xã hội giới thiệu và nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách. Quả thực với hương vị hòa quyện của gạo nếp ngon, đỗ xanh bùi bùi, thịt lợn béo ngậy, thảo quả không chỉ kích thích vị giác ăn ngon miệng mà còn khiến món ăn bớt ngán, đem lại hơi ấm nóng cho người ăn.

Độc đáo ẩm thực Lai Châu 3
Phụ nữ dân tộc Lào bản Phiêng Tiên, xã Bản Bo (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) nướng cá. Ảnh: Ngọc Thắng.

Cũng ở Lai Châu, du khách sẽ thích thú khi thưởng thức món thắng cố đượm mùi thảo quả, món xôi nhuộm màu tím, đỏ, vàng bằng lá cây rừng... Xôi chín, đổ chõ xôi ra, hương thơm của gạo quyện với mùi núi rừng tỏa lan cả mâm cơm. Món xôi ấy mà ăn cùng trứng kiến còn tạo ra một đặc trưng ẩm thực thú vị hơn nữa. Trứng kiến được đồ chín tới bằng chõ xôi. Sau đó băm nhỏ măng của cây riềng, trộn cùng trứng kiến, trứng gà và nêm nếm gia vị. Trứng kiến măng riềng được xào nhanh tay trên bếp lửa to, măng riềng chín tới, thơm lừng gian bếp là món ăn đã đạt yêu cầu.

Trứng kiến cũng có thể ướp gia vị trong lá dong, lá chuối và nướng trên bếp than hồng, hoặc món trứng kiến đồ cùng xôi nếp nương, làm nộm với lá chua chát, nấu canh ngọt dịu... cùng với những món ăn đặc trưng như: Canh gân trâu, cá bống vùi gio, thịt treo gác bếp, món trứng kiến trở thành món ăn không thể thiếu ở các bản làng vùng cao.