Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Bắc Giang: Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số

Uyển Nhi - 11:10, 02/11/2023

Tiếng nói là một trong những yếu tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã triển nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh với mong muốn từng bước tăng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc bình quân từ 2- 3%/năm; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc đạt từ 15 - 20%.

Bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là nơi có 100% dân số là đồng bào Nùng sinh sống.
Bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là nơi có 100% dân số là đồng bào Nùng sinh sống.

Bắc Giang là tỉnh miền núi có số người DTTS chiếm trên 14% dân số toàn tỉnh, với khoảng 260.000 người. Các huyện có đông người DTTS sinh sống thành cộng đồng gồm Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Trong đó có 6 dân tộc có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan và Sán Chí), Dao chiếm 97,78%, còn lại 39 dân tộc khác chiếm 2,22% dân số người DTTS.

Trước đây, các dân tộc nơi đây đều có bản sắc văn hóa và tiếng nói riêng, việc hình thành, lưu truyền bản sắc văn hóa của họ từ ngàn xưa tới nay đều thông qua tiếng nói và truyền miệng. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như ngôn ngữ, lễ hội, kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đặc biệt là ngôn ngữ gồm tiếng nói, chữ viết của 6 dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan và Sán Chí), Dao đang dần bị mai một theo thời gian.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các DTTS tỉnh Bắc Giang năm 2019 cho thấy; toàn tỉnh chỉ còn 1,0% số người DTTS nói được tiếng của dân tộc mình, số đông chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thế hệ có trách nhiệm kế tục gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho đời sau.

Để bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn, vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, giai đoạn 2024-2025, ngân sách Trung ương được bố trí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi khoảng 447 triệu đồng; ngân sách tỉnh 3,654 tỷ đồng; ngân sách huyện 2,44 tỷ đồng và các nguồn huy động hợp pháp khác cùng tham gia vào tổ chức thực hiện Đề án.

Mô hình lớp học tiếng dân tộc Tày của cô giáo Dương Thị Bền trường THCS Vân Sơn, huyện Sơn Động.
Mô hình lớp học tiếng dân tộc Tày của cô giáo Dương Thị Bền trường THCS Vân Sơn, huyện Sơn Động.

Đề án Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS (ngôn ngữ - tiếng nói) áp dụng với 6 thành phần DTTS chiếm số đông, sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Dao, Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chí), tại 73 xã vùng đồng bào DTTS&MN thuộc 5 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.

Để thực hiện tốt Đề án, tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS; Xây dựng cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực; Xây dựng tài liệu truyền, dạy tiếng dân tộc của tỉnh Bắc Giang để tổ chức truyền dạy trong các trường học vùng đồng bào DTTS&MN và cộng đồng; Thực hiện tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS; Thực hiện truyền dạy tiếng DTTS trong cộng đồng và các trường học; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền dạy tiếng dân tộc.

Trong đó, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm hiệu quả, điển hình như mô hình truyền dạy tiếng Sán Chay (Sán Chí, Cao Lan) của ông Đàm Xuân Tình, Người có uy tín trong đồng bào DTTS thôn Đồng Bây xã An Lạc, huyện Sơn Động; mô hình truyền dạy tiếng Dao của ông Bàn Văn Cường, Người có uy tín thôn Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; mô hình truyền dạy tiếng Tày của cô giáo Dương Thị Bền, giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Vân Sơn, huyện Sơn Động; Hội bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Bắc Giang phát động và mở lớp truyền dạy tiếng Sán Dìu tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn...

Đến với Câu lạc bộ học tiếng Tày do cô giáo Dương Thị Bền, dân tộc Tày, giáo viên môn Lịch sử Trường trung học cơ sở Vân Sơn, huyện Sơn Động các em sẽ được học giáo trình do cô tự tìm hiểu từ kinh nghiệm thực tế dạy theo các chủ đề như cách xưng hô, số đếm, vật nuôi trong gia đình, một số hoạt động hàng ngày... Ngoài ra các em còn được học một số bài hát đơn giản và đánh đàn bầu truyền thống.

Cô giáo Dương Thị Bền chia sẻ: “Tôi đã trăn trở từ rất lâu về việc tiếng nói của dân tộc Tày đang bị mai một dần. Là một người con của dân tộc Tày tôi mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn và phát huy tiếng DTTS. Tôi rất vui vì được Đảng và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đến đồng bào DTTS bằng nhiều chính sách thiết thực, đặc biệt là việc khuyến khích các bà con vùng đồng bào DTTS bảo tồn tiếng nói của dân tộc mình".

 Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số ở Bắc Giang
Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số ở Bắc Giang

Hay như em Nịnh Minh Nhật, dân tộc Sán Chí, lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS An Lạc là học sinh đã theo học lớp dạy tiếng Sán Chay (Sán Chí, Cao Lan) của ông Đàm Xuân Tình, nhờ sự tâm huyết của ông, sau một năm theo học em chia sẻ: “Sau 1 năm theo học lớp của ông Tình, giờ em rất vui đã biết nói, biết viết và hát bằng tiếng của dân tộc mình”.

Việc giúp cho học sinh hiểu biết về tiếng nói, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống văn hóa của dân tộc mình là nhiệm vụ rất quan trọng và rất ý nghĩa. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, thu hút đông đảo học sinh tham gia và trải nghiệm.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS. Cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS, tài liệu truyền, dạy tiếng dân tộc của tỉnh Bắc Giang. Thực hiện tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền dạy tiếng dân tộc.

Lớp bảo tồn chữ viết của dân tộc Sán Dìu
Lớp bảo tồn chữ viết của dân tộc Sán Dìu

Với mục tiêu từng bước tăng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc bình quân từ 2-3%/năm; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc đạt từ 15 - 20%, từ năm học 2024 - 2025, đến hết năm học 2029 – 2030 tỉnh Bắc Giang phấn đấu 100% các trường học vùng đồng bào DTTS&MN tổ chức được lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc. Đồng thời, triển khai thí điểm việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng ở 73 xã vùng đồng bào DTTS&MN; mỗi xã chọn 01 thôn/bản để làm điểm và rút kinh nghiệm cho triển khai những năm sau.

Đồng thời, từ năm 2026 đến năm 2030, hằng năm sẽ tổ chức lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng; phấn đấu đến hết năm 2030 có 100% số thôn/bản (539 thôn/bản) vùng đồng bào DTTS&MN tổ chức được các lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng...

Có thể thấy, việc bảo tồn, phát huy tiếng DTTS thông qua mở các lớp học tiếng dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho các em học sinh là vô cùng cần thiết và cấp bách. Từ việc dạy cho các em tiếng nói dân tộc mình, giúp các em thêm yêu quê hương đất nước, thêm tự hào dân tộc và ý thức được việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau tiến bộ trong học tập, hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất, kĩ năng, năng lực tư duy và sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.