Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Bác sĩ Võ Văn Việt: Người đem đến những liều thuốc tinh thần cho bệnh nhân

Lê Phương - 14:41, 26/02/2020

Hơn 20 năm công tác tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (CH&PHCN) Quy Nhơn (Bình Định) và hiện là Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Võ Văn Việt đã trực tiếp phẫu thuật cho hàng nghìn bệnh nhân bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông và các trẻ em bị dị tật bẩm sinh, nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật hệ vận động... Với trình độ chuyên môn cao và tấm lòng của người thầy thuốc, bác sĩ Việt đã góp phần giúp cho nhiều bệnh nhân không may mắn hòa nhập với cộng đồng.

Mặc dù công việc bận nhưng hằng ngày, bác sĩ Võ Văn Việt vẫn dành thời gian thăm khám cho bệnh nhân
Mặc dù công việc bận nhưng hằng ngày, bác sĩ Võ Văn Việt vẫn dành thời gian thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Võ Văn Việt sinh năm 1968, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định). Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, bác sĩ Việt nhận công tác tại Trung tâm CH&PHCN Quy Nhơn, nay là Bệnh viện CH&PHCN Quy Nhơn. Anh đã trực tiếp mổ và điều trị, giúp cho nhiều bệnh nhân phục hồi chức năng, trở lại sinh hoạt bình thường. Hiện nay, khi đã là Giám đốc bệnh viện, phải lo rất nhiều công việc từ quản lý đến chuyên môn, nhưng hằng ngày anh vẫn thăm khám, theo dõi sức khỏe cho hàng chục lượt bệnh nhân sau phẫu thuật.

“Những khó khăn mà các y, bác sĩ gặp phải như làm việc trong môi trường độc hại, áp lực chuyên môn cũng không thể sánh với nỗi đau bệnh nhân đang gánh chịu, nên tôi động viên các y bác sĩ thường xuyên quan tâm đến người bệnh bằng tất cả tấm lòng. Vì sự quan tâm, thăm hỏi của bác sĩ là một liều “thuốc” tinh thần giúp cho bệnh nhân vượt qua nỗi đau thể xác, yên tâm điều trị”, bác sĩ Việt, chia sẻ.

Bác sĩ Việt kể, có nhiều bệnh nhân bị tai nạn gãy chân, gãy tay, thậm chí gãy xương sống... có nguy cơ bị liệt nên họ rất hoang mang. Sau khi nhập viện, phẫu thuật, điều trị và tập luyện đúng phương pháp, họ đã phục hồi trở lại. Không ít lần anh bỏ tiền túi giúp đỡ những bệnh nhân nghèo người đồng bào DTTS có điều kiện vượt qua giai đoạn khó khăn khi điều trị tại bệnh viện. Nhiều người bệnh điều trị tại đây đã xem bác sĩ Việt là ân nhân.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Thọ, ở huyện An Nhơn, chia sẻ: “Tôi bị tai nạn lao động dập nát bàn chân. Sau khi nhập viện, tôi được bác sĩ Việt phẫu thuật và điều trị. Giờ tôi đã hồi phục và có thể đi lại bình thường”.

Theo bác sĩ Việt, điều anh luôn trăn trở không phải là áp lực trong công việc, mà là phải chứng kiến người dân có hoàn cảnh khó khăn không được điều trị bệnh kịp thời, không đúng cách. Đặc biệt, người dân ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng DTTS rất thiếu kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích; nhiều trường hợp sau khi phẫu thuật không tập luyện đúng cách dẫn tới bị tật. Do đó, người thầy thuốc phải luôn gần gũi, động viên, giúp họ vượt qua bệnh tật.

“Ngoài công tác điều trị tại bệnh viện, mỗi năm, chúng tôi tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc ở các tỉnh Tây Nguyên và địa bàn Bệnh viện phụ trách. Sau đợt khám, những đối tượng bị dị tật cơ quan vận động cần được phẫu thuật, tập phục hồi chức năng và lắp ráp dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả đều được đưa về Bệnh viện CH&PHCN Quy Nhơn đều trị”, bác sĩ Việt cho biết thêm.

Theo bác sĩ Việt, điều vui mừng nhất là từ khi được nâng cấp từ Trung tâm lên Bệnh viện CH&PHCN Quy Nhơn, được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, quy mô giường bệnh đã được nâng lên. Đội ngũ bác sĩ được quan tâm đào tạo phát triển tăng về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ. Cơ sở vật chất được đầu tư mở rộng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao cho Nhân dân tỉnh Bình Định và khu vực 7 tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.  

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Như một cái duyên, tôi trở lại xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị) đúng vào dịp lễ A Riêu Piing đang diễn ra. Sau bao năm gần như bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại, lễ hội A Riêu Piing ở A Bung tiếp tục được tổ chức vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Pa Cô (dân tộc Tà Ôi), đặc biệt là âm thanh vang vọng, rộn rã của tiếng cồng, tiếng chiêng- điểm nhấn quan trọng trong lễ hội A Riêu Piing.