Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bàn giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Hảng Pồ

Hoàng Thùy - 19:33, 08/03/2024

Trong khuôn khổ Lễ hội Hảng Pồ Xuân Giáp Thìn 2024, ngày 8/3, tại xã Ea Siên, UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Hảng Pồ, thị xã Buôn Hồ”. Tham dự có Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại; Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kdăm; Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân.

Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn phát biểu tại hội thảo
Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn phát biểu tại hội thảo

Theo báo cáo, thị xã Buôn Hồ có 24 dân tộc từ các vùng miền về sinh cơ lập nghiệp, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 31,2%, tạo nên nét đẹp văn hóa vùng Tây nguyên đại ngàn độc đáo, phong phú, đa dạng, thống nhất và giàu bản sắc. Bên cạnh các lễ hội, lễ tục của đồng bào các dân tộc tại chỗ, Lễ hội Hảng Pồ tại xã Ea Siên là một dạng lễ hội cầu mùa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, được tổ chức thường niên vào ngày 28 tháng Giêng.

Cúng cầu mùa là nét đẹp văn hóa tinh thần gắn với đời sống tâm linh đa thần của đồng bào Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc. Là dịp để đồng bào tế lễ và gửi lời cảm ơn tới tổ tiên, các vị thần sông, thần núi, thần thổ công, thổ địa, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, thôn xóm yên vui, gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc trong năm mới.

Các đại biểu, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tham dự hội thảo
Các đại biểu, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tham dự hội thảo

Theo tiếng Tày, Nùng “Hảng Pồ” có nghĩa là Chợ trên đồi, trong dân gian còn lưu truyền với cái tên là Hội Xuân hay là Chợ tình, thường được tổ chức tại các làng, bản có vị trí cao trong cộng đồng người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc. Khi di cư vào vùng đất Ea Siên, Lễ hội cầu mùa của tộc người Tày, Nùng tiếp tục được người dân duy trì và ngày càng thu hút nhiều dân tộc khác tham gia, tạo nên một sự cố kết cộng đồng, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc.

Nhằm bảo tồn di sản truyền thống các dân tộc và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước và thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, năm 2011, xã Ea Siên quyết định tổ chức lễ hội quy mô cấp xã trong 2 ngày (tức ngày 27, 28 tháng Giêng hàng năm). Không chỉ thu hút ngày càng đông đảo du khách từ các địa phương khác đến tham quan, thưởng lãm, Lễ hội còn thu hút nhiều Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ các xã, huyện khác về giao lưu.

Lễ hội Hảng Pồ xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 27 - 28 tháng Giêng tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ
Lễ hội Hảng Pồ xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 27 - 28 tháng Giêng tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn cho biết: Lễ hội Hảng Pồ xã Ea Siên không chỉ là ngày hội của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở địa phương, mà đã trở thành nơi hội tụ và giao thoa văn hóa, các phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc trong và ngoài địa phương, góp phần lưu truyền, phát huy giá trị tốt đẹp văn hóa dân tộc.

Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Hảng Pồ thị xã Buôn Hồ” nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thị xã Buôn Hồ. Đồng thời khai thác các giá trị của Lễ hội để gắn với xúc tiến kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân địa phương. Hội thảo sẽ là tiền đề cho những hướng đi mới, các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn thị xã.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Hảng Pồ thị xã Buôn Hồ. Đồng thời, các đại biểu bổ sung thêm một số thông tin rất thiết thực và hữu ích liên quan đến việc quản lý, phát huy lễ hội. Trong đó nhiều đại biểu đã có những ý kiến đề xuất khai thác giá trị văn hóa này gắn với phát triển du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.