Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Bí thư Đảng ủy xã tận tụy, gương mẫu

Minh Anh - 15:30, 09/10/2020

16 năm làm cán bộ, lãnh đạo ở xã Chiềng Muôn, huyện Mường La (Sơn La), anh Cứ A Vạng luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả để thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. Anh là một trong số những gương mặt tiêu biểu được tham dự Đại hội Đại biểu các DTTT Việt Nam lần thứ II, năm 2020 sắp tới.

Anh Cứ A Vạng (thứ 3 bên trái) nhận Giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La tại Đại hội DTTS huyện Mường La năm 2019
Anh Cứ A Vạng (thứ 3 bên trái) nhận Giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La tại Đại hội DTTS huyện Mường La năm 2019

Anh Cứ A Vạng, dân tộc Mông, sinh năm 1976 trong một gia đình khó khăn ở bản Hua Chiến, xã Chiềng Muôn. Năm 2004, anh Vạng bắt đầu tham gia vào công tác ở địa phương, được bầu làm Trưởng Công an xã, rồi lần lượt giữ các chức danh như Phó Chủ tịch xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Muôn. Đầu năm 2020, anh được điều động, chuyển công tác sang xã Chiềng Ân, hiện được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong suốt những năm tháng làm cán bộ, lãnh đạo xã ở Chiềng Muôn, bản thân anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả để thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Theo đó, trong quá trình lãnh đạo, điều hành công việc, anh Vạng luôn chú ý nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình kinh tế ở nhiều địa phương khác để tìm hướng đi, mô hình kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân trong xã. Đồng thời, anh đi đầu thử nghiệm cây trồng, vật nuổi để người dân học làm theo. 

Năm 2007, anh đã quyết định vay vốn ngân hàng để mua 1 cặp bò sinh sản. Do điều kiện phù hợp nên cặp bò của anh sinh sản phát triển tốt, mang lại thu nhập cho gia đình. Đến nay, mô hình chăn nuôi trang trại gia súc của gia đình anh đã có hơn 20 con trâu, bò, 30 con dê và đàn lợn cắp nách hơn 20 con. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận 130 - 150 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động của địa phương. Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình anh đã được nhiều hộ dân trong xã, trong vùng đến tìm hiểu để làm theo. 

Từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình, anh đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức cho hội viên đi thăm quan, học hỏi các mô hình kinh tế ở các địa phương để áp dụng. Đối với những gia đình có nguyện vọng làm kinh tế trang trại, anh Cứ A Vạng tận tâm hỗ trợ và hướng dẫn. Nhờ đó, mà trong xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi trang trại hiệu quả. 

Nói về tấm gương của anh Vạng, ông Lò Văn Tưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường La cho biết: “Đồng chí Cứ A Vạng là một cán bộ xã mẫu mực, luôn là tấm gương sáng để cho cán bộ, đảng viên và nông dân học tập và noi theo”. Với thành tích đó, anh Vạng đã được Ban Dân tộc tỉnh Sơn La tặng Giấy khen tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Mường La năm 2019. Anh là đại biểu tiêu biểu dự Đại hội Đại biểu các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2020 sắp tới. 


Tin cùng chuyên mục
Người đàn ông tài hoa và những sản phẩm tre Việt có "hồn"

Người đàn ông tài hoa và những sản phẩm tre Việt có "hồn"

Từ những thân tre, gốc tre xù xì thô ráp qua bàn tay tài hoa của anh Võ Tấn Tân (TP.Hội An, Quảng Nam) đã trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và có hồn. Những tác phẩm của anh Tân không chỉ thu hút khách hàng trong nước, mà du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi trải nghiệm tại xưởng sản xuất của anh. Nhờ đó, hình ảnh cây tre Việt lan toả đến với bạn bè quốc tế và mang lại cho anh Tân khoảng thu nhập không nhỏ.