Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cả đời gắn bó với văn hóa dân tộc

Trương Vui - Thôi Đông Sơn - 15:50, 03/04/2023

Nghệ nhân Vi Văn Thong là người đã dành gần như cả cuộc đời để lưu giữ, truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Ông Vì Văn Thoong bên những nhạc cụ truyền thống dân tộc Lào
Nghệ nhân Vì Văn Thoong bên những nhạc cụ truyền thống dân tộc Lào

Dân tộc Lào là 1 trong 19 dân tộc tại tỉnh Điện Biên. Đời sống kinh tế của đồng bào chủ yếu dựa vào canh tác lúa nước, làm nông nghiệp và đánh bắt cá. Chính vì vậy, các bản người Lào thường sống quần tụ dọc theo các con sông, con suối. Tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, đồng bào Lào sống dọc bên dòng Nậm Núa hiền hòa.

Mới đây, có dịp đến thăm Na Sang, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà nghệ nhân Vì Văn Thoong - người được bà con dân bản coi là “cây đại thụ” lưu giữ, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Lào tại bản Na Sang. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về các nhạc cụ và các điệu múa Lào truyền thống, ông hồ hởi giới thiệu từng nhạc cụ mà ông đã sưu tầm và gìn giữ như đứa con tinh thần của ông.

Các nhạc cụ truyền thống được sưu tầm và cất giữ
Các nhạc cụ truyền thống được sưu tầm và cất giữ

Ông kể, người dân tộc Lào có nhiều nhạc cụ truyền thống, từ khèn bè, trống, chiêng… Các loại nhạc cụ đa số đều được dùng trong các dịp bản có lễ hội, tết hoặc các dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ. Trước kia khi còn rất nhỏ, ông thường được bố dẫn đi chơi trong các lễ tết, ngày hội của bản. Chứng kiến bố ông thổi khèn bè, múa lăm vông rất dẻo, ông học theo, rồi dần dần ông có tình cảm sâu đậm với nhạc cụ truyền thống, với những điệu múa uyển chuyển nhịp nhàng của chàng trai, cô gái Lào.

Được sự chỉ dạy, truyền nghề của bố, ông Thoong học thêm các loại nhạc cụ khác như trống, chiêng... Đến nay, ông đã có 40 năm học và chơi nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lào. Ông bảo, dân ca, dân vũ hay các loại nhạc cụ truyền thống của người Lào là kết tinh của quá trình lao động, sản xuất và nhu cầu với cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Lào. Đây là cách thể hiện tâm tư, tình cảm của người chơi, gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc Lào.

Chiếc khèn bè gia truyền, được gìn giữ thờ cúng trong phòng thờ của gia đình
Chiếc khèn bè gia truyền, được gìn giữ thờ cúng trong phòng thờ của gia đình

"Hiện nay còn rất ít người trong cộng đồng dân tộc Lào còn lưu trữ, cũng như biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Qua tìm hiểu, đồng bào dân tộc Lào ở đây thường nghe, xem các bài dân ca, âm nhạc truyền thống trên Internet, mạng xã hội, chứ ít ai biết và hiểu để cấu thành một bài nhạc truyền thống cần những nhạc cụ gì, chơi theo tiết tấu nào. Người chơi được các nhạc cụ truyền thống, múa được điệu lăm vông cổ thì cũng còn rất ít", ông Thoong chia sẻ.

Nặng lòng với những nhạc cụ, những năm qua, nghệ nhân Vi Văn Thoong đã tham gia rất nhiều cuộc thi giao lưu và biểu diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Lào trong và ngoài tỉnh, với mục đích lớn nhất là quảng bá, phổ biến âm nhạc truyền thống dân tộc Lào. Với ông, được chơi những nhạc cụ truyền thống, hòa mình vào điệu lăm vông, được cất lời ca những làn điệu dân ca truyền thống là niềm hạnh phúc.

Đồng thời, khi trong bản, xã có các lễ hội hoặc các hoạt động văn nghệ, văn hóa, ông luôn tranh thủ trao đổi, động viên và cho thế hệ trẻ tiếp xúc nhiều hơn với các làn điệu dân ca, nhạc cụ, điệu múa truyền thống; dậy lớp trẻ cách chơi, chia sẻ về cái hay, cái đẹp mà các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào, để tạo sự hứng thú về văn hóa truyền thống cho các em.

Ông Vì Văn Thoong (trái) hướng dẫn học viên phối hợp chơi các nhạc truyền thống
Ông Vì Văn Thoong (trái) hướng dẫn học viên phối hợp chơi các nhạc truyền thống

Đối với những người yêu thích, có hứng thú với các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Lào, cứ cách 4 ngày ông thường tụ họp mọi người tại sân nhà, dạy mọi người cách chơi từng loại nhạc cụ truyền thống, giảng giải những thắc mắc, cũng như chia sẻ những hiểu biết của mình đến mọi người. Việc này đã duy trì được hơn 10 năm, nhờ đó mà trong bản đã có thêm 4 người được ông hướng dẫn đã chơi tốt các nhạc cụ dân tộc.

Ông Vì Văn Ten - bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, một trong những người được ông Thoong dạy về cách sử dụng nhạc cụ và các bài dân ca, điệu múa Lào. Ông Ten cho biết: Trước kia, chỉ bập bẹ chơi, vì yêu thích nên thường đến nhà ông Thoong để học thêm. Đến nay, mình cũng đã có 20 năm chơi nhạc truyền thống ở địa phương rồi. Ông Thoong rất tận tình chỉ bảo nên càng tìm hiểu, mình càng cảm thấy gắn bó, yêu quý, tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Những người như ông Vì Văn Thoong chính là sợi chỉ xuyên suốt kết nối với nguồn cội, khắc ghi những truyền thống quý báu của dân tộc, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, để những thanh âm đẹp đẽ ấy sẽ mãi ngân vang.

Tin cùng chuyên mục
Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng của người Cơ Ho - một dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở Tp. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa được hình thành và ra mắt tại xã Tà Nung, hứa hẹn có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút du khách.