Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Các tỉnh Tây Nguyên với không gian văn hóa cồng chiêng: Đưa cồng chiêng trở về nơi nó sinh ra (Bài 1)

Phạm Nguyên - 04:30, 23/11/2023

Ngày 25/11/2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 4/11/2008, Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa Phi vật thể chính thức công nhận Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Để gìn giữ những giá trị cốt lõi của không gian văn hóa cồng chiêng không tách rời với nhịp đập đời sống, cấp ủy, chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị của cồng chiêng trong cuộc sống của đồng bào DTTS.


Không gian văn hóa cồng chiêng luôn được đồng bào DTTS ở Tây Nguyên gìn giữ và phát huy
Không gian văn hóa cồng chiêng luôn được đồng bào DTTS ở Tây Nguyên gìn giữ và phát huy

Thấm đẫm hơi thở cuộc sống

Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Về cội nguồn, có nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí, như: cồng đá, chiêng đá, chiêng tre, rồi tới thời đại đồ đồng mới có chiêng đồng. Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên; âm thanh cồng chiêng khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.

Nghệ nhân ưu tú A Jar kể về ý nghĩa của không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống đồng bào DTTS ở Tây Nguyên
Nghệ nhân ưu tú A Jar kể về ý nghĩa của không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống đồng bào DTTS ở Tây Nguyên

Là người dành trọn tâm huyết để nghiên cứu về sử thi và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ nhân ưu tú A Jar, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam, hiện ở làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum chia sẻ: Tôi lớn lên cùng với cồng chiêng từ thuở ban sơ, khi ấy làng và rừng gắn kết với nhau. Âm thanh của cồng chiêng vang lên cũng như là âm thanh của đại ngàn. Không gian văn hóa cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào DTTS Tây Nguyên. Ngay cả trong sử thi ngày xưa người ta cũng nhắc đến không gian văn hóa cồng chiêng rất là nhiều. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... hay trong một buổi nghe khan đều phải có tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng dài hơn đời người, nối liền và kết dính những thế hệ.

Cồng chiêng được xem là tài sản quý giá của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên
Cồng chiêng được xem là tài sản quý giá của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Đã có thời một chiếc cồng chiêng giá trị bằng hai con voi hoặc 20 con trâu.

Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng. Đặc điểm chung, nổi bật của dàn cồng chiêng là sự kết hợp linh hoạt những âm thanh cao, thấp, tạo nên sự phối bè khác nhau. Kết hợp với cồng chiêng còn có cả trống, lục lạc... tạo nên sự hoà âm phong phú.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (ở giữa) hướng dẫn cách chỉnh chiêng cho các nghệ nhân ở tỉnh Kon Tum
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (ở giữa) hướng dẫn cách chỉnh chiêng cho các nghệ nhân ở tỉnh Kon Tum

 

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thì yếu tố để tạo nên một bản nhạc chiêng, gọi là cồng chiêng ở Tây Nguyên là thang âm của dàn cồng chiêng, đó là mối tương quan độ cao giữa các chiêng thành viên và đó là một giá trị vô cùng to lớn của di sản văn hóa này đã được chứng minh và đã được UNESCO công nhận. Đó là hệ thống các thang âm hình thành từ 10 âm tự nhiên của đồng bào Tây Nguyên. Một người không làm nên dàn chiêng mà phải tập thể người mà đặc biệt là nghệ thuật hợp tấu, tức là mỗi người chơi một đơn vị tiết tấu để ghép lại thành một bài chiêng. 

Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng vẫn đang được các thế hệ đồng bào DTTS ở Tây Nguyên lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không gian văn hóa cồng chiêng đang đứng trước một số khó khăn, thách thức, phải đối mặt với nhiều nguy cơ, như: lối sống hiện đại, tác động tiêu cực bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường; người già hiểu biết văn hóa cồng chiêng lần lượt qua đời, đa số lớp trẻ không mấy mặn mà với văn hóa của ông cha để lại... đó đều là những nguyên nhân làm cho không gian văn hóa cồng chiêng dần bị mai một. Thậm chí, có nơi cồng chiêng không còn mang ý nghĩa linh thiêng như trước.

Trước thực trạng đó, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền 05 tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm bảo tồn cồng chiêng nói riêng và không gian văn hóa cồng chiêng nói chung. Nhằm để không gian văn hóa cồng chiêng, những tinh hoa di sản văn hoá được tôn vinh thực sự là cầu nối văn hóa, trở thành một điểm nhấn gắn liền với niềm tự hào của đồng bào DTTS, của mỗi người dân địa phương, góp phần không nhỏ trong hoạt động văn hoá, du lịch, tạo nên sức sống, sự hấp dẫn của mảnh đất Tây Nguyên.

Tỉnh Đăk Lăk trao tặng cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS
Tỉnh Đăk Lăk trao tặng cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: cùng sở hữu di sản phi vật thể đại diện của nhân loại là không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên được UNESCO ghi danh, nhưng Đắk Lắk là tỉnh duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên có 5 nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có 4 nghị quyết chính thức và 1 nghị quyết kéo dài thêm. Điều đó thể hiện sự quan tâm cụ thể của HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đối với văn hóa cồng chiêng.

Riêng tại tỉnh Kon Tum, tỉnh đã ban hành và triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 - 2025”. Trên cơ sở đó, từ năm 2021 đến nay, các huyện, thành phố đã trang bị 138 bộ cồng chiêng cho các thôn, làng chưa có cồng chiêng tập thể nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 có 100% thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ có cồng chiêng; đồng thời, đã tổ chức trên 300 lớp truyền dạy về kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, chỉnh âm cồng chiêng và múa xoang với sự tham gia trên 10.000 học viên.

Các nghệ nhận luôn tích cực trong công tác truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Các nghệ nhận luôn tích cực trong công tác truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, hiện toàn tỉnh Kon Tum còn lưu giữ hơn 2.500 bộ cồng chiêng, tăng 584 bộ so với năm 2015; hơn 500 làng người DTTS có cồng chiêng, có đội cồng chiêng và múa xoang; những bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn; đặc biệt là sự xuất hiện của cồng chiêng trong nhiều hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong hành trình khám phá, trải nghiệm văn hóa - du lịch tỉnh Kon Tum.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tình trạng “chảy máu cồng chiêng” đã cơ bản được ngăn chặn. Cùng với đó, các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm phục dựng nhiều nghi thức, nghi lễ, lễ hội gắn với văn hóa cồng chiêng. Đây chính là điều kiện để không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trường tồn mãi với với thời gian.  

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.