Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Cao Bằng: Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của người dân vùng khó

Thiên Đức - 10:28, 10/12/2020

Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), không chỉ phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà quan trọng hơn cần xuất phát từ chính nội lực của người dân. Nhận thức điều đó, thời gian qua, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã triển khai tốt công tác dân vận, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực tự cường của người dân vùng DTTS và miền núi trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...


Người dân Cao Bằng tích cực hiến đất làm công trình Nhà Văn hóa trong xây dựng NTM
Người dân Cao Bằng tích cực hiến đất làm công trình Nhà Văn hóa trong xây dựng NTM

Năm 2011, khi bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng mới đạt 5 tiêu chí. Vì vậy, để xây dựng NTM thành công, chính quyền địa phương không thể phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà nước, mà cần phát huy sức mạnh của Nhân dân. Để làm được điều này, chính quyền xã đã tích cực thực hiện công tác dân vận. Theo đó, trên địa bàn xuất hiện nhiều tấm gương dân vận khéo. Tiêu biểu như ông Ngô Quảng Kiếm, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm Bài Siêng.

Những ngày đầu xây dựng NTM, người dân Bài Siêng không còn xa lạ gì với hình ảnh người cựu chiến binh ngoài 60 tuổi năng nổ, lặn lội đến từng ngõ, gõ từng nhà vận động hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Với cách nói chuyện gần gũi, dân dã nhưng kiên trì quyết liệt, ông Kiếm đã thực sự khiến đồng bào tin tưởng rằng, xây dựng NTM là việc làm của mình, do mình và vì mình. Vì vậy, nhiều người dân đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, cây cối, hiến đất, mở rộng mặt đường từ 1 - 2,8 m; đóng góp tiền và trên 1.000 công lao động làm đường xóm dài 540m. Nhờ những đóng góp của Nhân dân, trong đó có người dân Bài Siêng mà năm 2016, xã Phong Châu đã về đích NTM.

Bộ mặt nông thôn Cao Bằng ngày càng có nhiều khởi sắc, trong đó có sự đóng góp của công tác dân vận
Bộ mặt nông thôn Cao Bằng ngày càng có nhiều khởi sắc, trong đó có sự đóng góp của công tác dân vận

 Tại xã Đào Ngạn (huyện Hà Quảng), mô hình dân vận khéo, vận động Nhân dân thực hiện phong trào xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Bà Lục Thị Phần, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm Nà Sá, xã Đào Ngạn cho biết: trước đây, người dân chủ yếu sống tự cung tự cấp, dựa vào sản vật thu được từ rừng tự nhiên. Sau khi Nhà nước đóng cửa rừng, người dân rất lúng túng với kế sinh nhai. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội nông dân, bà Phần đã động viên bà con thay vì bị động trông chờ  vào nhà nước, người dân cần tích cực học tập khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình chăn nuôi như, trâu, bò, lợn đen theo hướng hàng hóa. Nhờ vậy, bình quân thu nhập đầu người tăng từ 10,6 triệu đồng (năm 2011) lên trên 30 triệu đồng năm 2019. Trên địa bàn xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Nói về phong trào thi đua "Dân vận khéo", ông Nguyễn Văn Dừa, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng khẳng định, công tác Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Đặc biệt, công tác dân vận đã tác động đến nhận thức để đồng bào DTTS ở vùng sâu vùng xa , giúp họ xóa bỏ tâm lý trông chờ ỉ lại. Thay vào đó, hình thành ý thức tự lực tự cường vươn lên phát triển kinh tế.

Thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tiêu biểu như các mô hình “Thanh niên xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh tổ quốc”, mô hình “Phát huy vai trò của Nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị”...

Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có trên 2.400 xóm, tổ dân phố đăng ký thực hiện “Dân vận khéo” với hơn 4.000 mô hình trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 1.120 mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa…Đây là những mô hình hay cần tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.